Thứ Năm, 18 tháng 10, 2018

Arab Saudi quyết định ngừng tài trợ cho các nhóm vũ trang ở Syria và Liên đoàn Ả Rập chuẩn bị nối lại quan hệ với Damascus: Thời gian vẫn chưa chín muồi cho chiến dịch giải phóng Idlib.(18/10)

(Bài đã đăng trên SOHA.VN)
Ngày 15/10 là hạn chót mà người Nga và Iran đặt ra với Thổ Nhĩ Kỳ để yêu cầu các nhóm phiến quân đối lập tại tỉnh Idlib rút vũ khí hạng nặng và binh lính khỏi một khu vực “Phi quân sự’’ được cam kết theo thỏa thuận Sochi có khoảng cách 15-20 km so với chiến tuyến hiện tại và về phía khu vực phía tây tỉnh Idlib và các khu vực nông thôn của tỉnh Latakia, Hama và Aleppo đang do phiến quân kiểm soát.



Tuy nhiên, bất chấp áp lực có phần cứng rắn của Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu các chiến binh ngoại quốc rời khỏi Syria hoặc rời khỏi khu ‘’Phi quân sự’’ để Idlib tránh khỏi một cuộc tấn công của Quân đội Syria và Nga, các chiến binh vẫn tiếp tục củng cố vị trí.



Gần như cùng thời điểm, cả Damascus và Moscow đều nhận thấy thời điểm hiện tại không thuận lợi cho một cuộc tấn công lớn vào khu vực Idlib.

Do vậy, một nhân nhượng bằng cách kéo dài thời gian thực hiện Sochi đã được trao cho phía Thổ Nhĩ Kỳ để tiếp tục những nỗ lực của họ.



Tuyến phòng thủ đầu tiên của Mỹ tại Syria và quyết định tạm ngưng chiến dịch quân sự giải phóng Idlib của Nga và Syria.


Tại sao Idlib lại là tuyến phòng thủ đầu tiên của Mỹ ở Syria? Lập luận này trở nên rõ ràng khi gần như toàn bộ các đô thị lớn tại Syria đã được giải phóng và chỉ có các khu vực nông thôn và thành phố nằm phía bắc tỉnh Idlib và tỉnh al-Hasaka, và một khu vực hoang mạc rộng lớn thuộc tỉnh Deir Ezzor nằm ở tả ngạn sông Euphrates vẫn còn bị chiếm đóng.
Vào tháng
9 năm 2018, Nga, Iran và Syria đã quyết định sẽ giải phóng toàn bộ lãnh thổ Syria, bắt đầu từ Idlib và kết thúc ở al-Hasaka, nơi hiện là căn cứ chỉ huy của lực lượng chiếm đóng của Mỹ và họ đang thể hiện rằng sẽ không rút khỏi đây một sớm một chiều.



Đây là lý do tại sao hiện tại Washington coi Idlib là tuyến phòng thủ đầu tiên và đây cũng là lý do tại sao Hoa Kỳ sẵn sàng không kích Syria ngay khi có những động thái  ngụy tạo “sử dụng vũ khí hóa học” một cách cố tình để ngăn chặn sự sụp đổ của Idlib.



Moscow và Damascus hiểu ý định của người Mỹ và quyết định huy động tất cả các năng lực quân sự thông thường mà họ có (bao gồm cả hệ thống S-300) để ngăn chặn một cuộc can thiệp bằng không quân của Mỹ vào Syria.



Ngày khai hỏa cho một cuộc tấn công quy mô rộng trên Idlib hiện tại đã không được đề cập tới trên các phương tiện truyền thông. Syria và các đồng minh của nước này đã quyết định chờ đợi và cho Thổ Nhĩ Kỳ cơ hội để khẳng định vị thế là cán cân giữa các quyền lực can thiệp vào Syria.

Quyết định này đã giúp tránh được một cuộc đối đầu có thể xảy ra giữa hai cường quốc Nga và Mỹ, với việc quân đội của họ sẽ phải đối mặt nhau trên chiến trường Syria.

Ngay khi ngày 15/10 sắp kết thúc, Quân đội Syria và các lực lượng đồng minh Nga và Iran đã nhận được thông tin tình báo đáng tin cậy rằng al-Qaeda và các nhóm phiến quân khác đã tập hợp được khoảng 10.000 lính và chuẩn bị tấn công khu vực phía Tây thành phố Aleppo.

Các lực lượng trung thành với chính phủ Syria đã phải chuẩn bị ba cụm phòng thủ: Cụm đầu tiên đối diện với căn cứ lớn của phiến quân ở Tal el-Eiss, Cụm thứ hai tại khu dự án "căn hộ 3000" và thứ ba tại lối vào thành phố Aleppo.

Tuy nhiên thỏa thuận Nga-Thổ Nhĩ Kỳ đã ngừng cuộc tấn công của phiến quân. Để đổi lại, Thổ Nhĩ Kỳ đã được người Nga gia hạn thực thi cho tới một thời gian không xác định để họ có thể kiểm soát tình hình Idlib.

Chính phủ Syria và các đồng minh sẽ chờ đợi thời điểm thích hợp nhất để tấn công Idlib khi người Mỹ rút khỏi Syria và các điều kiện trở nên phù hợp hơn.


Các nguồn tin thân cận với các
chiến lược gia quân sự của Quân đội Syria nói: “Không nghi ngờ gì về việc toàn bộ lãnh thổ Syria sẽ phải trở lại dưới sự kiểm soát của chính phủ Syria, bao gồm Idlib và al-Hasaka. Cửa khẩu tại Qunietra và Nasib giữa Syria và Jordan đã mở cửa trở lại. biên giới giữa Syria và Iraq sẽ mở cửa trở lại khi có một thủ tướng mới nắm quyền ở Iraq ”.

Liên đoàn Ả Rập chuẩn bị tái đón nhận Syria và số phận của các nhóm phiến quân tại Idlib và al-Hasakah.

Top of Form
Bộ trưởng Ngoại giao Iraq Ibrahim al-Jaafari đã tới thăm Syria không chỉ nhằm mục đích mở cửa lại biên giới giữa hai nước mà còn mong muốn đưa Syria trở lại Liên đoàn Ả Rập (Syria đã bị Liên đoàn đình chỉ kể từ khi nội chiến nổ ra).



Theo nguồn tin, Iraq tin rằng Arab Saudi và các đồng minh của họ không còn muốn tiếp tục theo đuổi giải pháp chiến tranh ở Syria nữa và họ đã ngừng tài trợ cho các nhóm thánh chiến và phiến quân.

Syria sẽ chỉ phải đối phó với hai lực lượng chiếm đóng (Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ) và khi các lực lượng này rút đi đồng nghĩa với thời điểm kết thúc cuộc chiến.

Bước đầu tiên của kế hoạch dự kiến sẽ được chính thức thực hiện bởi Amman, sẵn sàng tiếp tục mối quan hệ trước năm 2011 của mình với Damascus bằng cách gửi các nhà ngoại giao của mình tới Syria trong những ngày tới.

Theo nguồn tin, bước đi này của Jordan đã được sự chấp thuận của các nước Vùng Vịnh và phương Tây với hy vọng ‘’Tách Syria khỏi Iran”.

Nguồn tin bình luận:
"Những
kẻ đã mở cửa biên giới và không phận của họ để đưa đến Syria các chiến binh từ khắp nơi trên thế giới, cũng là những kẻ đã dọn dẹp sạch sẽ nhà tù của mình để gửi tất cả các tù nhân tới và thành lập một phong trào khủng bố ở Levant (Syria và Iraq) đã thất bại đã quyết định thay đổi chính sách và thiết lập lại quan hệ ngoại giao với Damascus. Chúng tôi không phản đối động thái này nhưng chúng tôi sẽ không quên vì chúng tôi đã trả giá rất đắt với những "người bạn" đã phá hủy đất nước của chúng tôi ",
Không còn nghi ngờ gì số lượng
binh lính phương Tây đã giảm đáng kể ở Syria.

Iran cũng đã giảm chi phí cho chiến tranh và giảm tối thiểu sự hiện diện của các lực lượng dân quân ngoại quốc do Iran chỉ huy trên mặt đất (người Shia Afghanistan, Iraq, Pakistan và các nước khác).

Tuy nhiên, không ai có thể buộc Iran rời khỏi Syria và Iraq chỉ để đổi lấy hỗ trợ tài chính để tái xây dựng lại đất nước bị chiến tranh tàn phá. Chỉ có kẻ ngốc mới tin rằng chúng ta có thể trao đổi mối quan hệ giữa Syria và Iran với hàng chục hay hàng trăm tỷ Đô la hoặc bán Cao nguyên Golan với bất cứ giá nào.

Mối quan hệ chiến lược Syria-Iran mạnh mẽ hơn nhiều so với những gì mọi người có thể tưởng tượng.
Các nhà lãnh đạo Trung Đông và Liên đoàn Ả Rập được chuẩn bị
tâm lý để tái tiếp nhận Tổng thống Syria Bashar al-Assad khi họ thừa nhận rằng hoạt động thay đổi chế độ đã thất bại.

Thổ Nhĩ Kỳ đã được trao nhiều thời gian hơn và việc giải phóng Idlib đã bị trì hoãn. Các chiến binh thánh chiến và phiến quân chưa được thuyết phục rằng cuộc chiến đã kết thúc vẫn chưa nhận ra rằng không còn bất kỳ quốc gia nào sẽ cung cấp vũ khí cho họ nữa.

Họ chỉ cố kéo dài thời gian và số phận của họ được định đoạt. Trong khi các chiến binh người Kurd tại Al-Hasaka cũng cần phải hiểu rằng lực lượng Mỹ sẽ không thể ở lại lâu. Căn cứ của Hoa Kỳ tại al-Tanf sẽ bị bỏ hoang chủ yếu vì trại tị nạn al-Rukban kế cận nơi có từ 80.000 đến 90.000 người t nạn do Mỹ chu cấp và bị bao vây bởi quân đội Syria và Iraq đã trở thành gánh nặng với một thảm họa nhân đạo hoàn toàn có thể xảy ra. Và quan trọng nhất là cửa khẩu al-Bukamal (mục tiêu của người Mỹ duy trì al-Tanf là để chặn đà tiến của quân đội Syria tới al-Bukamal năm 2017 đã thất bại) sẽ được sớm mở lại nối thẳng đường từ Tehran qua Baghdad tới Damascus.

Đã đến lúc người Kurd hiểu rằng họ chỉ có thể sống sót bằng cách đón nhận sự thương hại của Damascus.

Chủ Nhật, 14 tháng 10, 2018

Lệnh Ân xá của Tổng thống Assad, tương lai nào đang chờ đón các chiến binh đối lập (14/10)


(Bài đã đăng trên SOHA.VN)

Phản ứng của các chiến binh đối lập về Lệnh Ân xá của Tổng thống Syria.

Tuần vừa qua, Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã ban hành một Lệnh Ân xá cho những người chạy trốn khỏi nghĩa vụ quân sự, đào ngũ và “bất đồng chính kiến” (binh lính, sĩ quan quân đội gia nhập phe đối lập trong nội chiến) trong một nỗ lực đưa họ trở về với gia đình, tái gia nhập lực lượng chính phủ hay làm suy yếu lực lượng đối lập.
Lệnh Ân xá được đưa ra sau khi hàng loạt các vụ bắt bớ và điều tra về tội ác chiến tranh nhằm vào các cựu sĩ quan lực lượng đối lập Quân đội Syria tự do (FSA) ở khu vực nông thôn phía bắc tỉnh Homs (khu vực mới hoà bình trở lại sau một loạt thoả thuận hoà giải do Nga làm trung gian).

Để tìm hiểu về ý kiến của những binh lính và sĩ quan “bất đồng chính kiến” ​​về Lệnh Ân xá này, một cuộc thăm dò đã được tổ chức ​​ở các khu vực khác nhau của tỉnh Idlib ở miền bắc Syria, nơi được coi là thành trì cuối cùng của phe đối lập sau khi “cái nôi của cuộc cách mạng” tại tỉnh Daraa đã được Quân đội Syria giải phóng.
al-Akl, một cựu sĩ quan cảnh sát đã đào ngũ năm 2012 coi Lệnh Ân xá do Tổng thống Bashar al-Assad ban hành không liên quan gì đến các lực lượng “bất đồng chính kiến” ​​đã và vẫn đang hy sinh để giành được “tự do cho người dân”. 

Anh này nói thêm rằng nếu có một Lệnh Ân xá ở Syria, Tổng thống Assad nên tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về chính mình. Anh này khẳng định rằng khẩu hiệu của họ cho đến giờ vẫn là "chiến thắng hay là chết". 
Về phần mình, Trung uý Quân đội Ả rập Syria (SAA) đào ngũ Mohammed Khalaf nói rằng Lệnh Ân xá chỉ là lời nói dối, đặc biệt là khi mọi gia đình trong khu vực đối lập tại Idlib đều mất một hay nhiều thành viên, do các vụ không kích hay trong đấu tranh vũ trang chống chính phủ hoặc đang bị giam giữ:

"Sẽ không có gì từ chúng tôi dành cho chế độ của Bashar al-Assad ngoài chiến trường khốc liệt.

Assad cố gắng đưa các chiến binh đối lập ra khỏi khu vực đối lập bằng cách đưa ra mức thu nhập hấp dẫn và những lời có cánh, sau đó bắt và giam họ trong các nhà tù, như những gì đã xảy ra Daraa, Ghouta và các khu vực khác.”.
Ahmed al-Dani, một sĩ quan SAA đào ngũ và gia nhập lực lượng đối lập kể từ năm 2013, cho biết anh không hài lòng và không cần ân xá từ một chế độ đã giết và bắt giữ hàng nghìn người. 
Một cựu Cảnh sát viên tên Mustafa al-Qudah nói rằng người ra quyết định Ân xá thực tế lại là tội phạm và kẻ giết người, anh này cũng nhấn mạnh rằng phe đối lập khước từ Lệnh Ân xá này. 
Lệnh Ân xá được Quốc hội Syria thông qua với nội dung yêu cầu các chiến binh đối lập có nguồn gốc là cựu binh lính, sĩ quan và lực lượng an ninh Syria hạ vũ khí trước ngày 9/10/2018, trình diện trong vòng 4 tháng áp dụng những người đang lẩn trốn trong vùng chính phủ kiểm soát và 6 tháng cho những người đào thoát khỏi khu vực đối lập kiểm soát.


Tương lai nào chờ đón các cựu chiến binh đối lập và các thành viên “Mũ bảo hiểm trắng”?


Các lực lượng an ninh và tình báo Syria đã thực hiện lệnh bắt hơn 7.000 cựu binh Quân đội Syria tự do (FSA) đối lập tại các khu vực Daraa, Qalamoun, Homs và vùng nông thôn quanh Damascus, những người đã đồng thuận với thỏa thuận hòa giải được bảo lãnh của Nga.
Mặc dù điều khoản quan trọng nhất của các thoả thuận hoà giải là “Sự bảo đảm an toàn của Nga cho chiến binh đối lập và ngăn quân chính phủ tiến chiếm lãnh thổ” nhưng thực tế là hàng loạt các cuộc bắt giữ đã xảy ra và gần đây đã bắt đầu nhằm vào các tình nguyện viên dân sự của "Mũ bảo hiểm trắng" do Phương Tây tài trợ.

Hầu hết các khu vực thoả thuận dưới sự kiểm soát của lực lượng FSA đều bị các lực lượng an ninh và quân đội thâm nhập với các chiến dịch truy quét. 

Các vi phạm thoả thuận có vẻ chỉ là bắt giữ và thẩm vấn nhưng cũng có một số trường hợp gây ra cái chết hay tra tấn người bị tình nghi. 

Nổi bật nhất là trường hợp Tiến sĩ Moataz Hittani, ông này được phát hiện ra đã  chết sau khi bị bắt giữ tại ngoại ô Damascus. Ngoài ra, một số vụ việc tương tự đã được ghi nhận
gây ra cái chết của Tahsin Helwa ở khu vực đông Ghouta hay Mahmoud al-Herak ở thị trấn al-Milliha al-Gharbia thuộc tỉnh Daraa. 

Ngoài ra, Syria đã thực hiện một biện pháp để tăng sự phụ thuộc của người dân vào dịch vụ công tại các cơ sở chính phủ kiểm soát bằng cách đóng cửa các bệnh viện tự phát và không cấp phép cho mở phòng khám hoặc trung tâm y tế tư nhân.
Chính phủ Syria không hoặc đơn giản hơn là không đủ khả năng dọn dẹp các tàn dư chiến tranh trong hầu hết các khu vực "hòa giải" và cung cấp đủ điện, nước hay bánh mì. 
Người dân sống trong điều kiện nghèo khổ, đặc biệt ở miền đông Ghouta do rác thải không được thu dọn trên đường phố và sự phát triển của côn trùng, điều mà chắc chắn dẫn đến sự lây lan của dịch bệnh. 

Những người sống trong các khu vực hòa giải cũng phải sống trong tình trạng sợ hãi sau khi các cuộc bắt giữ và thẩm vấn nhằm vào phụ nữ và người cao tuổi, lý do là các cuộc gọi điện thoại với chồng con họ là các chiến binh đối lập di tản về phía bắc. 
Nhưng sự cố nổi bật nhất diễn ra vào tháng 7 năm 2017, khi thị trấn Kafr Batna ở Đông Ghouta bị lực lượng an ninh tổ chức đột kích quy mô lớn bắt và thẩm vấn một số lượng lớn dân thường.
Trên thực tế, chính phủ Syria đã phản bội lòng tin của các lãnh đạo và chiến binh đối lập tham gia "hòa giải".
Các lãnh đạo và chiến binh đối lập không thể thoát khỏi “phán xét” của chính phủ Syria, họ bị quấy rối và các thỏa thuận đã bị vi phạm đến mức nghiêm trọng là bắt giữ với lý do được đưa ra là những vụ kiện dân sự chống lại họ trong các tòa án. 

Như một phương tiện mới để giải thích cho các vụ bắt bớ đó là các sự việc vi phạm pháp luật của các phe phái đã chấp nhận sự hòa giải. 
Chính phủ Syria đã bắt đầu thúc giục dân thường nộp các đơn kiện các cá nhân là lãnh đạo đối lập vi phạm “quyền của người dân" và “ngược đãi người dân" trong quá trình họ kiểm soát lãnh thổ đối lập. 
Về vấn đề này, Chánh án Daraa, Saud al-Muhammad nói rằng hòa giải của chính phủ với các lãnh đạo phe phái đối lập không có nghĩa là các cáo buộc chống lại họ của người dân bị bỏ qua. Ông cũng nhấn mạnh sự tồn tại của hàng loạt các tội ác hình sự trong khu vực đối lập trước đây liên quan đến giết người, bắt cóc, tống tiền hay các cáo buộc dân sự liên quan tới phá hủy hay trộm cắp tài sản. 
Ali Rashid al-Hassan, người đứng đầu Hiệp hội Luật sư Syria tự do, cho biết chính phủ đã kích động một số người trung thành để gây ra các vụ kiện này chống lại các cựu lãnh đạo phe phái đối lập sau khi ký kết hoà giải. Việc này khai thác kẽ hở trong các thỏa thuận hoà giải, người Nga chỉ đảm bảo không truy tố họ vì tội chống chính phủ hay tội ác chiến tranh. 
Các lãnh đạo quân sự bị bắt có thể liệt kê: Yassin al-Ahmad Kasum cựu chỉ huy của “Lữ đoàn 313” ở vùng nông thôn bắc Homs, Ahmad Farukh cựu chỉ huy của “Lữ đoàn al-Ansar” tại thành phố Al-Harra phía bắc Daraa, Abu Tareq al-Jamal cựu lãnh đạo của “Lữ đoàn Omar” tại khu vực Bait Jein ở nông thôn tỉnh Quneitra, Sanjer cựu lãnh đạo của tổ chức khủng bố Hayyat Tahrir al-Sham tại thị trấn Massifra, Abu Nabil cựu chỉ huy của Lữ đoàn al-Madinah al-Munauwara. 
Hàng trăm thanh niên tham chiến trong thành phần FSA trước đây đã bị triệu tập và thẩm vấn, đặc biệt là ở các khu vực Daraa, Qalamoun, Quneitra và Homs, nơi lực lượng an ninh tiếp tục khai thác để thu thập thông tin về các thành viên FSA và các tổ chức khác còn chưa bị phát hiện.

Các vụ triệu tập kể trên đi kèm với việc tuyển dụng của các chi nhánh của lực lượng tình báo nhằm vào những người trẻ tuổi ở tất cả các vùng lãnh thổ của Syria để tăng cường lực lượng vũ trang.
Theo các báo cáo có sự tương đồng đến kỳ lạ, số lượng những người bị triệu tập để thẩm vấn và số lượng gia nhập lực lượng vũ trang Syria là khoảng 20.000 người.
Sau khi triệu tập, chính phủ yêu cầu họ phải huấn luyện quân sự trong một tháng và gửi họ đến các mặt trận, đặc biệt là những người đang chiến đấu với tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng trong khu vực sa mạc Sweida. 


Dường như quân đội Syria vẫn chưa tin tưởng những người được tuyển dụng từ các khu vực hòa giải vì vậy họ sử dụng nhân mạng phung phí trong các trận chiến, các nguồn quân sự xác nhận rằng hơn 140 lính mới đã chết trong trường hợp không xác định, trong đó có 80 tuyển dụng từ nông thôn Homs và 40 từ Daraa.
Trên chiến trường, các bản ghi âm bị rò rỉ của các sĩ quan quân đội cho thấy nỗi lo của họ về lòng trung thành của các binh sĩ.

Cựu thành viên của tổ chức do Phương Tây tài trợ “Mũ bảo hiểm trắng”, những người đã bị đích thân Tổng thống Bashar al-Assad lên án không nằm ngoài các mục tiêu.
Vào giữa tháng 9, tình báo Syria đã đột kích các trụ sở của “Mũ bảo hiểm trắng” và nhà của các
cựu thành viên. 
Theo các nguồn tin, tình báo đã bắt giữ 18 thành viên tổ chức này tại nhà của họ ở thành phố Rastan phía bắc Homs trước khi giam giữ và thẩm vấn tại các địa điểm bí mật.

Kế hoạch hậu chiến của người Nga và phản ứng của phe đối lập Idlib.

Theo Tờ báo "The Wall Street Journal" của Mỹ: Người Nga đã đánh lừa các phe phái "hòa giải" và đặt họ dưới "lòng thương xót của Bashar al-Assad", ngoài ra người Nga cũng sử dụng quyền lực mềm, ngăn chặn các khoản tiền khổng lồ sẽ được đưa vào các viện trợ quân sự cho phe đối lập hay cho các tổ chức như “Mũ bảo hiểm trắng”.

Người Nga đang thể hiện họ là bên trung gian đàm phán hoà bình với phe đối lập và biến nó trở thành một cách để gây áp lực cho các chính phủ phương Tây tham gia tái thiết Syria. 

Một vài ngày trước, Hội đồng Hồi giáo Syria đối lập đã ban hành một tuyên bố cảnh báo dân thường và các chiến binh đối lập muốn tới vùng chính phủ kiểm soát để trở về quê hương và hòa giải.

Hội đồng này cho rằng đây là sáng kiến để loại trừ trách nhiệm phá huỷ đất nước của chính phủ và đổ lỗi cho phiến quân.

Hội đồng giải thích rằng kế hoạch chính phủ Syria là để cho một số nhà truyền giáo và các nhà hoạt động mà họ sử dụng như điệp viên dụ dỗ và dẫn những người hoà giải đến nhà tù.

Trong một bài báo có liên quan của tờ báo Đức, "Spiegel Online": 

“Chính phủ Syria bắt đầu nhận và xử lý các cáo buộc hình sự và dân sự của người dân về các cựu chiến binh trong các phe phái đối lập trong các khu vực hòa giải.”.

Tờ báo cũng khẳng định Berlin xác nhận thông tin nhiều trường hợp bị giam giữ, và buộc tham gia lực lượng vũ trang, và xem các hành động của chính phủ Syria là trái với thỏa thuận hoà giải, được bảo đảm bởi người Nga. 


Những kinh nghiệm tồi tệ ở Daraa, miền đông Ghouta và Homs đã khiến các phe nhóm vũ trang hoạt động ở miền bắc Syria phản ứng mạnh trong việc phòng thủ trước áp lực quân sự và không tham gia đàm phán với chính phủ hay truy quét các nhóm điệp viên tình báo của chính phủ mà họ nghi ngờ rằng sẽ làm hại họ trong tương lai - một khi họ bắt buộc phải tham gia đàm phán hoà giải.

Hai nhóm là Mặt trận Giải phóng Quốc gia (NLF) do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn, và tổ chức khủng bố Hội đồng giải phóng vùng  Sham (HTS) là các nhóm chiếm tới 80% thành phần của lực lượng đối lập tại tỉnh Idlib đã tiến hành hàng loạt các vụ bắt giữ trong những tháng qua với hàng chục nhóm điệp viên phục vụ cho chính phủ bị phát giác.

Thứ Năm, 11 tháng 10, 2018

Giải mật thông điệp của IS “Thế giới hãy chờ đón một sự bất ngờ”. (11/10)

(Bài đã đăng trên SOHA.VN)

6 người ủng hộ tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Kosovo đã bị bắt và bị
cáo buộc lên kế hoạch tấn công liên hoàn nhằm vào mục tiêu là các cơ sở của Giáo hội Chính thống giáo, đội bóng đá và người hâm mộ Israel và mở rộng ra là các mục tiêu ở Bỉ hoặc Pháp.
Cáo buộc cũng chỉ ra nhóm này đã được các chiến binh IS ở Syria hỗ trợ.
Sự việc kể trên diễn ra trong bối cảnh IS tại Syria tuyên bố “Thế giới hãy chờ đón một sự bất ngờ” và căng thẳng về biên giới giữa Kosovo và Serbia tăng cao.

Chú thích ảnh: Poster tuyên truyền của IS “Hãy chờ đón một sự bất ngờ” được tung ra ngày 11/10/2018.


Bujar Behrami, tên trong tổ chức IS là Abu Musab El-Albani  là một trong 6 người Kosovo bị truy tố vì tội hoạt động khủng bố bởi Công tố viên của Kosovo hôm 6/10 hiện là kẻ duy nhất khai chi tiết với các điều tra viên về kế hoạch của nhóm khủng bố này.
Lời khai của tên này đã được tư pháp bàn giao cho cảnh sát Kosovo vào tháng 9, tiết lộ chi tiết về hoạt động tuyên truyền, vận động tài chính, tuyển dụng thành viên, thu thập vũ khí và vật liệu nổ.
6 người gồm Behrami, Resim Kastrati (còn gọi là PC Habibi), Gramos Shabani, Albert Ademaj, Leotrim Musliu và Edona Haliti đều bị truy tố về việc lên kế hoạch cho các cuộc tấn công bằng vũ khí quân dụng và đánh bom tự sát ở Kosovo, Pháp và Bỉ từ tháng 12/2017 đến 6/2018.

Theo lời khai của Behrami, tên này bắt đầu hoạt động vào tháng 9 và tháng 10 năm 2016 sau khi sử dụng tài khoản Telegram “Abu Musab” để liên lạc với một kẻ được gọi là "A1" đang sống tại Syria.
"Chúng tôi đã trao đổi cách thức tiến hành các cuộc tấn công bằng cách sử dụng Súng trường tấn công AK hay chất nổ và vẫn chưa quyết định mục tiêu, nhưng tôi đã yêu cầu A1 kết nối tôi với Rdvan Haqifi (một chỉ huy IS người Albania) ... và sau khi tôi kết nối với Haqifi, chúng tôi đồng ý rằng sẽ nhằm mục tiêu là người Israel trong một trận đấu bóng đá dự kiến sẽ diễn ra cuối năm đó.”

Behrami khai thêm rằng kế hoạch tấn công là sử dụng một quả bom giả gây hoảng loạn trong hàng ghế của những người hâm mộ đội Israel và sau đó   xả súng.
“Tôi đã trình bày ý tưởng này cho Haqifi và ông ấy nói với tôi rằng chúng ta nên xem xét khả năng thông qua một chỉ huy IS khác là Lavdrim Muhaxheri và nên tuyển dụng thêm với thành viên (IS).”.

Muhaxheri, sinh ra tại Kacanik ở Kosovo, là chỉ huy chiến trường khét tiếng lãnh đạo các chiến binh người Kosovo và Albania tham chiến trong hàng ngũ IS tại Syria.

Tên này đã bị tiêu diệt bởi một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ tại Syria tháng 6/2017. 

Tên này đã trở thành tên khủng bố quốc tế khét tiếng vào năm 2014 sau khi hình ảnh hắn chặt đầu một thanh niên đã được IS tung ra. 

Behrami nói rằng trong khi tên này trình bày ý tưởng của mình cho Muhaxheri, các điệp viên của IS đã giúp đỡ hắn tiếp cận mọi yêu cầu. 

 “Tôi đã trình bày ý tưởng của mình về việc đảm bảo tài chính cho cuộc tấn công chống lại người hâm mộ và cầu thủ của Israel đến Lavdrim, A1 và Haqifi, người này sau đó đã đảm bảo tài chính sẽ được cung cấp từ Abu Ahme, người đứng đầu mạng lưới điệp viên của IS”.

Behrami giải thích rằng cuộc tấn công đã được thực hiện bởi ba nhóm, mỗi nhóm có ba hoặc bốn thành viên, trong khi liên tục khẳng định mình không tham gia trực tiếp. 

 "Tôi chỉ đưa ra ý tưởng, trong khi Ridvan, Lavdrim và A1 tuyển dụng người và huy động tài chính để thực hiện cuộc tấn công”. 

Tên này cũng khai thêm rằng việc liên lạc với Muhaxheri và Aqifi tiếp tục cho đến năm 2017 khi cả hai tên đều bị tiêu diệt, sau đó hắn đã liên lạc với những người đại diện của IS khác, "A2" và "A3", một lần nữa qua Telegram tới tổ chức IS tại Syria.

Chú thích ảnh: Sơ đồ miêu tả mối quan hệ của Behrami và các thành viên IS khác đồng thời miêu tả các mục tiêu của nhóm khủng bố.


Về kế hoạch tấn công các nhà thờ Chính thống giáo Serbia, Behrami khai với các nhà chức trách rằng ban đầu hắn trực tiếp đi khảo sát các địa điểm tấn công và thực hiện một số nghiên cứu trên mạng Internet  về chất độc và chất nổ. 

“Tôi chủ yếu tìm kiếm trên Wikipedia và Google, sau khi tìm hiểu về chất nổ TNT, C4, RDX, TATP và các chất độc Sarin, Tabun, Somat và Clorine, tôi gửi nó đến A2 và A3, A3 sau đó đi tới Albania để mua chúng”.

Tên này  giải thích thêm rằng chúng có thể tìm được chất nổ phù hợp ở Albania với giá khoảng 1.000 euro cho mỗi 1 kg, mặc dù việc này không dễ dàng
“A3 đã gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các chất độc mặc dù anh ta đã gặp một chuyên viên quân sự cao cấp.
A2 nói sẽ đi tìm những người đã sẵn sàng đánh bom tự sát và sau đó đi đến Mitrovica, Gjilan và Gnjilane thuộc Kosovo và sang Albania tìm kiếm nhưng không thành công.”

Kết quả là, các cuộc tấn công theo kế hoạch vào Giáng sinh của Chính thống giáo ở Gracanica, Mitrovica, Peje và Prizren đã bị trì hoãn và thay đổi thành mục tiêu một ngày lễ khác của người Serbia  vào tháng Sáu, vào ngày Thánh Vitus, hay “Vidovdan”. 
Behrami nói thêm:
“Ý tưởng ban đầu là của tôi... nhưng tôi bắt đầu rút khỏi kế hoạch này vì Abu Ahmed muốn có một cuộc tấn công tương tự như cuộc nổi loạn chống lại người Serbia ở quy mô lớn như những sự kiện diễn ra vào tháng 3 năm 2004 (dẫn tới chiến tranh Kosovo và cuộc can thiệp của NATO vào Serbia bằng không kích) nhưng tôi thì muốn các cuộc tấn công nhỏ hơn”.

Theo Behrami, tất cả các kế hoạch đều nhận được tài trợ từ Abu Ahmed thông qua A4 được gửi từ các nước hậu Xô Viết như Kyrgyzstan và Uzbekistan, cũng như từ Nga. 
Năm bị cáo khác đã phủ nhận các cáo buộc của Công tố viên. 

Sự việc kể trên diễn ra trong bối cảnh ngày hôm nay 11/10, IS tại Syria tuyên bố “Thế giới hãy chờ đón một sự bất ngờ” và căng thẳng về biên giới giữa Kosovo và Serbia tăng cao trong những tuần qua. 
Mặc dù Behrami đã bị bắt, tuy nhiên các thành viên IS tại Kosovo và Albania (A2-A3-A4) vẫn tiếp tục hoạt động và lên kế hoạch tấn công trong tương lai.
Trong một diễn biến khác, hôm nay Bộ trưởng quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu cảnh báo về các vụ tấn công khủng bố từ 63 nhóm vũ trang đang hoạt động tại nước này. 
Các nhóm vũ trang kể trên được cho là đã thề trung thành với IS và đang lên kế hoạch cho các cuộc tấn công.
Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia nêu bật vai trò quan trọng của việc chia sẻ thông tin tình báo trong cuộc gặp diễn ra hôm nay 11/10 với người đồng cấp Australia Christopher Pyne tại Jakarta.