Chủ Nhật, 24 tháng 6, 2018

Ai đánh ai trong cuộc chiến tranh Yemen (24/6)


(Bài đã đăng trên SOHA.VN)

Cuộc chiến tranh vẫn đang tiếp diễn tại Yemen
có nguồn gốc từ sự thất bại của giai đoạn chuyển đổi chính trị được cộng đồng quốc tế hi vọng mang lại sự ổn định cho Yemen. Hay nói cách khác, cuộc chiến này bắt nguồn từ những xung đột vẫn tồn tại dai dẳng hàng chục năm nay mà càng ngày càng lan rộng do sự can thiệp của nước ngoài.

Ngay sau một loạt các hành động biểu tình mang phong cách “mùa xuân Ả Rập”. Tổng thống độc tài lâu năm, Ali Abdullah Saleh, bàn giao quyền lực cho phó Tổng thống Abdrabbuh Mansour Hadi. Ông Hadi ngay từ khi được nắm quyền đã phải đối mặt với nhiều vấn đề, bao gồm cả các cuộc tấn công của tổ chức khủng bố al-Qaeda, phong trào ly khai ở miền nam Yemen, sự trung thành của lực lượng Vệ binh Cộng hoà với Saleh, cũng như nạn tham nhũng, tỉ lệ thất nghiệp cao và an ninh lương thực.

Phong trào tôn giáo Houthi đã lãnh đạo một liên minh của người Hồi giáo Shia Yemen chiến đấu chống lại chính phủ của Saleh trong gần một thập kỷ, đã tận dụng sự yếu ớt của chính phủ Hadi.
Một điều đáng chú ý là cũng như các lực lượng đối lập tại Syria được Arab Saudi tài trợ, thì Houthi được Iran tài trợ chính.

Houthi đã mở rộng tấn công trên khắp các mặt trận và kiểm soát phía bắc của tỉnh Saada và các vùng lân cận.
Thất vọng với việc chính phủ Hadi không có nhiều cải cách hiệu quả so với người tiền nhiệm, mà thực tế là Yemen lại càng hỗn loạn hơn, nhiều người Yemen, bao gồm cả người theo Hồi giáo Sunni quay sang ủng hộ Houthi.
Vào cuối năm 2014 và đầu năm 2015, phiến quân Houthi đã tiến vào kiểm soát hoàn toàn thủ đô Sanaa. Tổng thống Hadi đã phải chạy trốn đến thành phố cảng phía nam Aden.
Houthis và lực lượng Vệ binh Cộng hoà trung thành với Saleh, người được cho là đã ủng hộ kẻ địch cũ trong hi vọng giành lại quyền lực đã gần như kiểm soát toàn bộ đất nước, buộc Hadi phải chạy ra nước ngoài vào tháng 3 năm 2015.

Các diễn biến kể trên là hồi chuông báo động tại Yemen liên quan tới sự lớn mạnh của Houthi, nhóm vũ trang mà Arab Saudi và các nước đồng minh Vùng Vịnh tin rằng được ủng hộ quân sự bởi Iran.

Arab Saudi và 8 nước Arab Sunni thành lập một Liên quân can thiệp mở đầu bằng một chiến dịch không kích hỗ trợ cho các lực lượng trung thành với Hadi. Liên quân Sunni này nhận được hỗ trợ hậu cần và thông tin tình báo từ Mỹ, Anh và Pháp.

Gần ba năm chiến tranh lan rộng trên mọi cấp độ dường như đã khiến cả hai phía (Houthi-Saleh và Liên quân-Hadi) lâm vào thế bế tắc trên chiến trường, 3 nỗ lực của Liên Hiệp Quốc để đưa cả hai phía vào một bàn đàm phán hoà bình đã thất bại.
Các lực lượng chính phủ Yemen bao gồm các binh sĩ trung thành với Hadi và chủ yếu là các bộ lạc ly khai miền Nam Yemen đã thành công trong việc chặn đứng cuộc tấn công của Houthi vào thành phố cảng Aden, với một trận chiến đẫm máu kéo dài bốn tháng với sự yểm trợ đáng kể của Liên quân Sunni.

Do trên mặt trận lực lượng Houthi và Vệ binh cộng hoà trung thành với Saleh áp đảo về quân số và vũ khí. Liên quân Sunni quyết định leo thang chiến tranh, các đơn vị chiến đấu trên bộ của Liên quân đã được không vận tới Aden vào tháng 8 năm 2015 và giúp đẩy lùi Houthi ra khỏi miền nam Yemen trong vài tháng sau đó.
Những người ủng hộ Tổng thống Hadi đã thành lập một chính phủ lâm thời ở Aden, mặc dù Hadi vẫn còn đang lưu vong.
Tuy vậy, hiệu quả tác chiến của các lực lượng Hadi và Liên quân Saudi là chưa đủ để đẩy lùi Houthi ra khỏi thủ đô Sanaa, và Houthi vẫn tiếp tục duy trì một cuộc bao vây của thành phố phía nam Taiz và liên tục bắn đạn pháo, tên lửa qua biên giới vào các vị trí chính trị - quân sự của Arab Saudi.
Không những vậy, các toán đột kích của Houthi liên tục tập kích các đơn vị biên phòng sâu trong lãnh thổ Arab Saudi bằng cách đánh du kích. Gần như quân đội Arab Saudi bị động, trang bị cơ giới, đạn dược và vũ khí của các đơn vị biên phòng hầu hết bị Houthi chiếm hoặc tiêu huỷ.

Các nhóm khủng bố al-Qaeda ở bán đảo Ả Rập (AQAP) và chi nhánh của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã lợi dụng sự hỗn loạn bằng cách chiếm một số khu vực lãnh thổ ở phía nam và thực hiện các cuộc tấn công khủng bố, đặc biệt là ở Aden.

Việc phóng tên lửa đạn đạo đất đối đất của Houthi tới thủ đô Riyadh của Arab Saudi vào tháng 11/2017 đã khiến Liên quân Sunni thắt chặt phong tỏa Yemen.
Liên quân cho biết họ muốn ngăn chặn việc buôn lậu vũ khí tới tay quân nổi dậy của Iran - một cáo buộc mà Tehran phủ nhận - nhưng LHQ cho biết cuộc bao vât này có thể khiến xảy ra "nạn đói lớn nhất thế giới” tại Yemen.
Mặc dù Liên quân đã nới lỏng những chính sách bao vây đối với các cảng biển sau vài tuần, việc bị 
đóng cửa vẫn tiếp tục kéo dài dẫn đến tăng mạnh về giá các các mặt hàng cơ bản, đưa an ninh lương thực chạm mốc nguy hiểm và sụp đổ các dịch vụ con người cơ bản.

Liên minh giữa Houthi và Saleh đổ vỡ

Vào cuối tháng 11 năm 2017, một tranh chấp giữa Houthi và các lực lượng trung thành với Saleh về quyền 
kiểm soát nhà nguyện Hồi giáo lớn nhất Sanaa đã gây ra các cuộc đụng độ vũ trang khiến hàng chục người thiệt mạng. 

Ngay sau đó, Saleh đề xuất "giở sang một trang mới" với Liên quân Sunni do Saudi lãnh đạo nếu họ ngưng không kích Yemen, rút các lực lượng bộ binh và chấm dứt phong tỏa các cảng biển. Houthis phản ứng lại bằng cách cáo buộc Saleh  "đảo chính" chống lại "một liên minh mà Saleh không thể hiện lòng tin".
Các chiến binh Houthi bắt đầu một chiến dịch để kiểm soát toàn bộ thủ đô Sanaa vào ngày 4/12/2017.
Sau đó, Houthi thông báo rằng Saleh đã bị giết trong khi cố gắng chạy trốn khỏi thủ đô.

Liên minh giữa Nam Yemen và Hadi đổ vỡ

Chỉ vài tuần sau các sự kiện tại Sanaa, bất đồng cũng phát triển và dẫn tới giao tranh vũ trang giữa các lực lượng ủng hộ chính phủ Hadi.

Những bộ lạc ly khai tại Nam Yemen chủ trương độc lập (khu vực này đã từng là một quốc gia có chủ quyền trước khi sát nhập với miền Bắc Yemen vào năm 1990) đã thành lập một liên minh lỏng lẻo với quân đội trung thành với Hadi vào năm 2015 để ngăn chặn Houthi chiếm Aden.

Nhưng mối quan hệ liên minh này luôn luôn xảy ra tình trạng căng thẳng - bất đồng do mục tiêu hoàn toàn khác nhau đã dẫn đến “giọt nước tràn ly” khi Hội đồng chuyển tiếp miền Nam (STC) - Đại diện liên minh các bộ lạc ly khai vào tháng 1 năm 2018 cáo buộc chính phủ Hadi tham nhũng và quản lý kém, và yêu cầu Thủ tướng Ahmed bin Daghar từ chức.
Daghar từ chối đối thoại và tố cáo những gì ông gọi là một cuộc đảo chính "chống lại tính hợp pháp và sự đoàn kết của đất nước" khi các nhóm vũ trang ly khai cố gắng chiếm các cơ sở chính phủ và căn cứ quân sự tại Aden bằng vũ lực.

Tình hình đã được trở nên phức tạp hơn bởi các thành phần trong Liên quân do Saudi dẫn đầu. Arab Saudi ủng hộ Hadi, người đang ở Riyadh, trong khi Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) lại có mối liên kết chặt chẽ với những người ly khai miền nam.

Tương lai của một cuộc thế chiến nếu Yemen và Syria không thể giải quyết bằng biện pháp hoà bình.

Ali Abdullah Saleh sẽ được nhớ đến như một người đã định hình Yemen hiện đại theo hình ảnh của chính mình, nhưng cũng là người sẵn sàng đưa cả đất nước trở lại lò lửa xung đột hơn là từ bỏ quyền lực. 
Tuy nhiên, nếu không có kỹ năng đàm phán của ông, cuộc nội chiến mà ông ta đã tham gia dẫn tới cuộc khủng hoảng nhân đạo và tàn phá chết chóc chỉ có khả năng trở nên tồi tệ hơn. 
Cái chết của Saleh gây sốc cho hầu hết người dân Yemen.  Hình ảnh của Saleh ở Yemen giống như một kẻ cai trị thông minh “nhảy múa trên đầu các con rắn". Saleh là người kiến tạo các thoả thuận hoà bình mà chính chúng - đã vượt quá sự mong đợi của nhân dân Yemen.
Ngay sau khi Saleh được bổ nhiệm làm Tổng thống của Bắc Yemen vào tháng 7 năm 1978, CIA đã dự đoán rằng ông sẽ chết trong vòng sáu tháng, và ông sẽ là người mới nhất trong một loạt các nhà lãnh đạo Yemen để trở thành nạn nhân của cuộc xung đột nội bộ. 
Nhưng ngược lại, Saleh tiếp tục kiểm soát Yemen trong 33 năm, vượt qua các nỗ lực ám sát bao gồm cả một vụ đánh bom liều chết trong năm 2011 - và thậm chí đến những sự kiện sau đó tại Yemen.
Tuy nhiên, cái chết của Saleh cho tới nay thể hiện một sai lầm của ông này trong nhận định.
Khi Saleh đề xuất một phương án hoà bình với Arab Saudi bằng một buổi gặp gỡ bí mật, người Saudi đã quyết định số phận của ông.
Cho tới tháng 4 năm 2018, các video được Không quân Saudi tung ra thể hiện một cuộc tập kích bằng máy nay không người lái tiêu diệt “người nhảy múa trên đầu các con rắn” khi ông này đến địa điểm đàm phán.
Rõ ràng, với Arab Saudi, con bài Saleh hiện không còn quan trọng khi các lực lượng Hadi và miền Nam đang vẫn duy trì được thế cân bằng trên chiến trường.
Tuy vậy, vắng bóng Saleh, các lực lượng vũ trang (hiện tại có ít nhất 6 lực lượng tham chiến tại Yemen) sẽ không bao giờ có thể ngồi vào bàn đàm phán trong tương lai.

Có thể thấy rõ, ở những tháng đầu năm 2018, với thực tế bất phân thắng bại của Houthi và các lực lượng chống lại họ, tình hình trên chiến trường tại Yemen đang đóng băng với một chút lợi thế cho Houthi.

Tuy nhiên, cùng với việc Bộ Quốc phòng Arab Saudi, rút kinh nghiệm từ việc những đoàn xe cơ giới của Liên Quân Sunni liên tục bị các toán Houthi phục kích, đã trang bị hơn 200 pháo tự hành M107-A7 và hàng nghìn hệ thống tên lửa chống tăng ATGM trong lần gần đây nhất công du Mỹ và Châu Âu của Thái tử Muhammad bin Salman - Bộ trưởng quốc phòng Arab Saudi - Chỉ huy trưởng Liên quân Sunni can thiệp tại Yemen.

Như vậy cuối năm 2018, sau khi trang bị đã được đưa đến các đơn vị tại Yemen, Liên quân Sunni sẽ tổ chức các cuộc hành quân sâu vào lãnh thổ Houthi kiểm soát. Như vậy, thế cân bằng sẽ bị phá vỡ. Houthi sẽ nguy ngập, và có thể Iran sẽ can thiệp chính thức.

Đề nghị của Tổng thống Donald Trump tới Arab Saudi và các nước Vùng Vịnh liên quan tới việc đưa Liên quân Sunni vào khu vực phía Đông sông Euphrate tại Syria hỗ trợ cho các lực lượng đối lập người Kurd có thể là mồi lửa cho cuộc chiến tranh lan rộng ra toàn khu vực Trung Đông.

Tầm quan trọng của Syria đối với Iran và Iraq như thế nào thì Yemen với Arab Saudi và các nước Sunni Vùng Vịnh cũng như vậy. Hiện trạng hai liên minh Shia và Sunni vẫn chưa đối địch trực tiếp trên chiến trường, vẫn chỉ là cuộc chiến bất đối xứng với các lực lượng đối lập địa phương chiến đấu uỷ nhiệm với sự hỗ trợ ngầm của Iran hay Saudi.
Nhưng nếu Saudi can thiệp vào Syria, đồng nghĩa Iran sẽ can thiệp vào Yemen.
Cho tới lúc đó, một viễn cảnh chiến tranh lan rộng trên toàn Trung Đông (có một sự tương đồng nhất định giữa vấn đề Yemen, Syria và cuộc chiến tranh Triều Tiên) khi hai phía đối địch:
- Một bên là Liên quân Sunni, các lực lượng Hadi và ly khai miền nam Yemen, Lực lượng dân chủ Syria (SDF) đa phần là người Kurd.
- Một bên là Vệ binh cộng hoà Iran, quân đội Syria, Hezbollah, các nhóm vũ trang Shia của Iraq, Afghanistan, Pakistan, Syria, Palestine cùng với Houthi.

Ở giai đoạn này, một nỗ lực trung gian hoà bình do Liên Hiệp Quốc bảo trợ là không đủ, mà cần sự cẩn trọng trong bất kỳ động thái quân sự nào của các bên liên quan tới cuộc chiến tại hai nước Syria và Yemen. 
Bởi vì nếu không thể kiềm chế, cuộc Chiến tranh Trung Đông và tiếp sau đó là Chiến tranh Thế giới thứ 3 sẽ bắt nguồn từ những cuộc nội chiến - uỷ nhiệm trong khu vực Trung Đông.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét