Thứ Tư, 7 tháng 3, 2018

Tầm quan trọng của Việt Nam trong cuộc đối đầu Mỹ - Trung (7/3/2018)



1. Chiến lược “xoay trục” của Mỹ dưới thời tổng thống Donald Trump và “cây đinh” Việt Nam
Tháng 10 năm 2011, Tổng thống tiền nhiệm Obama tuyên bố chiến lược “xoay trục” về Châu Á và không che đậy mục tiêu nhắm tới là sự trỗi dậy của Trung Quốc với các hoạt động chèn ép các quốc gia khác ở Đông Bắc Á và Đông Nam Á trong nỗ lực khẳng định chủ quyền, tạo “con đường ra biển” của Trung Quốc.
Tuy nhiên, sau một khoảng thời gian dài như vậy (khoảng 6 năm cho tới khi kết thúc nhiệm kỳ năm 2017) chiến lược của Obama gần như không thực thi được . Lý do then chốt là hai đồng minh cũ Thái Lan và Phillipine vẫn đang rối như gà mắc tóc vì các vấn đề chính trị xã hội của chính họ và sự phụ thuộc quá lớn của hai quốc gia này vào kinh tế Trung Quốc khiến họ khó có thể lựa chọn đối đầu.
Cho tới khi Tổng thống Donald Trump đắc cử thì người Mỹ dường như “quên” tuyên bố xoay trục này.
Với dân số khoảng 568,3 triệu người, diện tích 4.523.000 km2 thì khu vực Đông Nam Á trở thành khu vực tối quan trọng trong sản xuất hàng hoá, giao thông đường thuỷ của toàn thế giới.
Với một con mắt nhạy bén của một chính trị gia xuất thân thương gia, Donald Trump đã tìm ra các thực thi chiến lược “xoay trục” một cách hiệu quả hơn.
Một điểm TT Trump nhìn ra rằng Việt Nam dù tồn tại các khác biệt về chính trị nhưng vai trò của Việt Nam là tối quan trọng trong chiến lược xoay trục của Mỹ.
Dù Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia có cùng ý thức hệ, nhưng những bài học lịch sử mối quan hệ giữa Trung - Mỹ thập kỷ 70 của thế kỷ 20 cho người Mỹ thấy ý thức hệ thực chất không vượt qua được các yêu cầu về dân tộc và chủ quyền.
Với việc người Mỹ tăng cường sự hiện diện của Hạm đội 7 tại các cảng nước sâu của Việt Nam gần đây, người Mỹ đánh tiếng với Trung Quốc về cuộc chơi địa chính trị trên biển Đông.
Một đòn cân não đánh vào Trung Quốc về phương thức ứng xử trong khu vực, rằng người Trung Quốc nên lựa chọn giải pháp hoà bình hơn là hung hăng đòi hỏi quyền lợi trong khu vực nếu không thì Mỹ và các nước Đông Bắc Á, Úc sẽ đứng sau lưng hỗ trợ các nước Đông Nam Á, mà trong đó Việt Nam là một chiến tuyến quan trọng
ngăn chặn mưu đồ bá quyền của Trung Quốc. Một cảnh báo khác mà cả Việt Nam lẫn Mỹ đều muốn đưa ra là đồng minh ý thức hệ của Trung Quốc sẽ không còn tồn tại trong tương lai nếu với cách thức “trỗi dậy” kiểu đe doạ chiến tranh.
2. Biến Việt Nam trở thành đồng minh có lợi về kinh tế
Điều chúng ta có thể nhận ra trong toàn bộ chính  sách với các đồng minh cũ tại Đông Bắc Á như Nhật Bản, Hàn Quốc của Tổng thống Trump là trên cơ sở đôi bên cùng có lợi, hay nói trắng ra là người Mỹ đòi hỏi các quốc gia Đông Bắc Á phải chi ngân sách để phục vụ duy trì “Ô bảo vệ” của các căn cứ quân sự Mỹ tại các nước này.
Người Mỹ dưới thời Trump tính toán thiệt hơn về cả một quá trình dài từ sau chiến tranh thế giới thứ 2, người dân Mỹ đã phải chi tiền thuế để duy trì các hoạt động bảo vệ đồng minh Đông Bắc Á.
Dưới thời tổng thống Trump, ngoài việc các chính sách đối nội vực dậy nền kinh tế, các chính sách đối ngoại của Mỹ là giảm thiểu chi phí bảo vệ đồng minh.
Việc biến Thái Lan hay Phillipine trở thành Nhật Bản và Hàn Quốc với ngân sách khổng lồ không phải là điều mà TT Trump nghĩ tới.
Với việc Việt Nam những năm gần đây trở thành một nhà nhập khẩu vũ khí lớn trên thế giới trước sự đe doạ của Trung Quốc trên biển Đông, cùng với các biện pháp bảo vệ chủ quyền được Việt Nam thực thi cứng rắn trên thềm lục địa năm 2014 thì người Mỹ nhìn thấy tiềm năng của một đối tác quân sự - thị trường vũ khí màu mỡ ở dải đất hình chữ S này.
Hàng nghìn vũ khí trang bị chiến lợi phẩm của quân đội Việt Nam Cộng Hoà được niêm cất trong các kho bãi của Quân đội Nhân dân Việt Nam đang là cơ hội lớn cho các nhà thầu Mỹ trong việc sửa chữa, nâng cấp.
Hàng chục phương tiện kiểm soát mặt biển như máy bay trinh sát biển, trực thăng vũ trang hay các loại tàu mặt nước là cơ hội lớn cho ngành hàng không và đóng tàu của Mỹ khi ở mảng này đối thủ cạnh tranh chính là người Nga lại không có những sản phẩm thuyết phục.
Trong tương lai gần khi lệnh cấm vận vũ khí với Việt Nam đã được gỡ bỏ hoàn toàn từ năm 2016, các nhà thầu quân sự Mỹ nhìn thấy mỏ vàng nằm ở Việt Nam, để thực thi xúc tiến thương mại ở mảng này người Mỹ có thể sẽ kích cầu bằng các gói viện trợ không hoàn lại để Việt Nam duy trì mua vũ khí Mỹ trước khi Việt Nam có thể dùng ngân sách đầu tư (trong chuyến thăm năm 2017 của Tổng thống Donald Trump, Mỹ đã gợi ý Việt Nam về các hợp đồng tên lửa phòng thủ để làm cân bằng cán cân thương mại nghiêng về phía Việt Nam).
Việc thực thi quyền lợi, chủ quyền trên biển của Việt Nam hầu như không mâu thuẫn với chính sách “xoay trục” của Mỹ và không tiềm tàng khả năng làm ảnh hưởng đến tuyến hàng hải quốc tế của Mỹ. 
Và trên hết, biến Việt Nam trở thành đồng minh lỏng lẻo sẽ giúp người Mỹ có thể thực thi chính sách duy trì lực lượng đối đầu với Trung Quốc mà không phải tốn quá nhiều chi phí cho các lực lượng đồn trú.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét