Thứ Bảy, 30 tháng 6, 2018

Nga và Mỹ trước những đòn cân não ở Syria: Moscow "mua đứt" Tổng thống Erdogan? (30/6)

(Bài đăng trên SOHA.VN)
http://m.soha.vn/nga-va-my-truoc-nhung-don-can-nao-ai-la-ban-ai-la-thu-cua-moscow-o-syria-20180630104047468.htm

Tác giả Evgeny Satanovsky, Xuất bản lần đầu trên tạp chí VPK ngày 18/6/2018 biên tập bởi DK.


Bản đồ tình trạng Nam Syria ngày 30/6.


Khi can thiệp vào cuộc nội chiến ở Syria, phân tích các
 yếu điểm của Chính phủ Damascus, lòng kiên trì của đối phương và dựa trên sự thận trọng và kinh nghiệm thu được ở Afghanistan và Chechnya. 
Người Nga có thái độ rất cảnh giác để không bị sa lầy vào một cuộc chiến tranh du kích trên quy mô lớn.

Chính phủ Syria, đã giành một loạt chiến thắng tại các khu vực đối lập bị bao vây như Đông Ghouta, Đông Qalamoun, Trại tị nạn Yarmouk và khu vực Bắc Homs. 

Tự tin với sự hỗ trợ của lực lượng không quân vũ trụ Nga, Quân đội Syria đang thực hiện các nỗ lực nhằm giành lại quyền kiểm soát miền Nam Syria. 

Người Mỹ lúc này đang vướng trong các vấn đề cân não hơn, đó là cố cân bằng giữa hai lực lượng đối kháng Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd, cố gắng kiểm soát bờ phía đông của sông Euphrates và một phần biên giới Syria-Jordan.

Ai là “bạn”, ai là “thù” của người Nga.

Vào ngày 14/6, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ bày tỏ quan ngại do các báo cáo về các hoạt động quân sự của Quân đội Ả Rập Syria (SAA) tại một trong những khu vực giảm leo thang quân sự ở phía tây nam của Syria. 

Theo nguồn tin truyền thông Iran Fars, tại tỉnh Daraa ở miền nam Syria, giao tranh đã nổ ra giữa SAA và các nhóm đối lập - Các đơn vị của Quân đội Syria tự do (FSA).

Trước đó, Damascus đã đưa ra tối hậu thư cho các chiến binh đối lập ở tỉnh Deraa và Quneitra với yêu cầu tiên quyết là hạ vũ khí đầu hàng và chuyển quyền kiểm soát các lãnh thổ họ đang đứng chân cho quân đội chính phủ. 

Một số chỉ huy đối lập phản hồi rằng họ không có ý định bỏ cuộc. 

Trong cùng thời gian,Quân đội Syria đã loại trừ
mối đe dọa lấn chiếm của nhóm khủng bố Hayaat Tahrir al-Sham - HTS ( Nhóm đổi tên từ Mặt trận al-Nursa của al-Qaeda) ở phía tây nam của thành phố Aleppo. 
Theo kênh truyền thông Syria Al-An đưa tin, các nhóm chiến binh HTS tổ chức nhiều đợt tấn công vào các vị trí của quân đội chính phủ gần làng Khan Tuman nhưng đều bị đẩy lui với thương vong nặng nề.

Tại tỉnh Daraa, hiện tại các đơn vị Quân đội Syria đang tổ chức tấn công mạnh dưới sự yểm trợ của không quân Nga vào các căn cứ của HTS và đồng minh đối lập trong khu vực Tell al-Harra. 

Theo báo Al-Watan, Bộ chỉ huy lực lượng vũ trang Syria đã quyết định di chuyển một số lượng lớn viện quân và xe cơ giới từ các mặt trận khác về phía nam Syria để đè bẹp các chiến binh khủng bố. 

Tại thực địa, các đơn vị SAA tiến vào tiếp quản hoà bình theo yêu cầu của các Hội đồng cư dân địa phương các làng Khan Arnab, al-Chabaria, Deir Maker và Khodr. 

Al-Watan chỉ ra rằng các hoạt động chống lại HTS ở khu vực Umm Batna sẽ liên quan đến hoạt động của các chiến binh lữ đoàn Palestine Liwa al-Quds chiến đấu ở phía chính phủ Damascus. 

Cho đến nay, dân quân người Palestine, là thành viên của Mặt trận nhân dân Giải phóng Palestine (PFLP-GC), mới chỉ tham gia vào các trận đánh ở Đông Aleppo và trong chiến dịch Thép Damascus tại Đông Ghouta và Trại tị nạn Yarmouk ở phía nam Damascus.

Tại các mặt trận kể trên, cùng với các dân quân Shia Iraq, họ thay thế các đơn vị bộ binh Vệ Binh Cách Mạng Iran (IRGC) tham chiến bên cạnh các đơn vị cơ giới và hoả lực của SAA.

Các lực lượng thân chính phủ Syria với sự hỗ trợ của các đồng minh (Nga, Iran), có ý định tiêu diệt các nhóm chiến binh đối lập, các nhóm khủng bố ngoan cố, không thể đàm phán trong khu vực giảm leo thang phía nam Syria sau lễ Ramadan của người Hồi giáo. 

Các cuộc tham vấn liên quan giữa Nga với Mỹ và Jordan đã được tiến hành trong tháng trước, tuy nhiên đã kết thúc trong bế tắc.

Các cuộc đàm phán lên đến đỉnh điểm bằng thỏa thuận Nga-Israel về việc rút quân Iran và các đồng minh Shia Lebanon (nhóm Hezbollah) ra khỏi biên giới phía Bắc của nhà nước Do Thái.
Thoả thuận này đảm bảo an toàn các hoạt động quân sự sắp tới bằng việc tạm ngưng các cuộc không kích của Israel trên lãnh thổ Syria.

Đối với người Israel, đây là một bước tiến cần thiết, khi mà các cuộc tham vấn với người Mỹ và người Jordan không mang lại kết quả gì.
Hoạt động quân sự của lực lượng chính phủ Syria ở miền nam Syria chắc chắn sẽ diễn ra, và hành động tốt nhất là đàm phán để Moscow như một người bảo lãnh cho việc triệt thoái người Iran trên biên giới Syria - Israel.

Israel đã đưa ra việc rút dân quân Shia trên lãnh thổ Syria như một điều kiện để hỗ trợ cho hoạt động chống khủng bố.

Do đó, Tổng thống Putin và Thủ tướng Netanyahu đã thảo luận về tình hình tại Syria trong một cuộc trò chuyện qua điện thoại vào ngày 15/6. 

Nhưng vị thế giám sát của Israel bị hạn chế, và họ vẫn sẵn sàng phòng thủ trên biên giới khi một phần các đơn vị tham chiến là dân quân Palestine, chứ không phải Hezbollah, IRGC Iran. 

Israel vẫn tiếp tục giữ quan điểm nghi ngờ về sự hợp tác chặt chẽ của các lực lượng này.

Như các sự kiện quân sự diễn ra gần đây cho thấy, các nhóm khủng bố như IS và HTS chiếm quân số hàng chục nghìn tên đã ẩn trong các khu vực giảm leo thang dưới vỏ bọc của các chiến binh "đối lập ôn hoà". 

Hiện tại, hai khu vực giảm leo thang tiếp tục hoạt động ở tỉnh Idlib và phía nam Syria, trên tuyến biên giới của Jordan và Israel ở các tỉnh Daraa và Quneitra. 

Hai năm qua, với kết quả thành công của các chiến dịch quân sự và đàm phán liên tục. Chính phủ Syria đã đưa các chiến binh đối lập - khủng bố từ khắp nơi trên đất nước đến Idlib, nhưng tình hình phía nam Syria chưa có nhiều thay đổi. 

Khu vực giảm leo thang quân sự phía nam được thành lập vào tháng 5/2017 sau cuộc đàm phán Astana. 

Vào ngày 8/7 cùng năm, tình trạng và phương án điều hành của cái gọi là khu vực giảm leo thang này đã được làm rõ trong các cuộc đàm phán giữa các đại diện của Nga, Mỹ và Jordan. 

Các nước cử đại diện kể trên sau đó là các nước bảo lãnh và cam kết bảo đảm sự tôn trọng ngừng bắn của phe đối lập và tiếp tục cuộc chiến chống khủng bố bên tại khu vực phía nam. 

Quân đội Syria Tự do (FSA), được Mỹ gọi là "đối lập ôn hoà", đã từng kiểm soát phần lớn lãnh thổ Syria.
Trong hai năm qua, Jordan và Israel đã hỗ trợ FSA bằng tiền và vũ khí, đảm bảo sự xuất hiện thường xuyên của các đoàn xe vận chuyển thực phẩm nhân đạo đến các khu vực dưới sự kiểm soát của FSA. 

Tuy nhiên, kể từ mùa hè năm 2017, tình hình đã thay đổi. Khoảng 55% lãnh thổ của khu vực giảm leo thang phía nam đã bị IS chiếm và HTS chiếm quyền chỉ huy của Phòng tác chiến chung của các lực lượng đối lập tại nam Syria. 

Rõ ràng là đã ở giai đoạn thành lập khu vực giảm leo thang, người Mỹ đã có kế hoạch quân sự của họ bằng cách cung cấp cho các chiến binh viện trợ trực tiếp tiền, vũ khí và nhắm mắt làm ngơ trước ảnh hưởng lan rộng của IS và HTS.

Mỹ đã cố tình chuẩn bị một cuộc tấn công quân sự lớn của phe đối lập vào Damascus, cách khu vực giảm leo thang chưa đến 100 km. 

Trên thực tế, với những mâu thuẫn phe nhóm, kế hoạch kể trên đổ vỡ, và các nhóm đối lập ưu tiên giao tranh với nhau giành lãnh địa hơn là tấn công Damascus. 

Vai trò của khu vực giảm leo thang nam Syria có thể nhằm một mục tiêu có tính chiến lược hơn nhiều: 
Tạo ra một điểm nóng liên tục các hoạt động quân sự của phe đối lập ở phần này của đất nước Syria, tiêu hao các lực lượng quan trọng của Damascus để giảm áp lực quân sự cho vùng phía đông của Euphrates, cũng như ngăn chặn thành lập một khu vực hoà bình của Damascus ở miền trung và miền nam Syria.

Sự tồn tại của một khu vực xung đột như vậy tạo điều kiện cho sự tồn tại lâu dài của căn cứ huấn luyện Mỹ ở al-Tanf.

Các tỉnh Deraa, Quneitra và Suweida được kiểm soát bởi lực lượng đối lập với hơn 50 nhóm vũ trang thuộc nhiều phe phái khác nhau với tổng binh lực lên đến 12 nghìn chiến binh. 

Lực lượng bao gồm bốn nhóm chính. 

Đầu tiên, Quân đội Syria tự do (FSA) bao gồm hơn 20 đơn vị tự xưng phiên hiệu lên đến 7.000 chiến binh được hỗ trợ trực tiếp bởi Thổ Nhĩ Kỳ và Israel và được Phương Tây coi là lực lượng đối lập vũ trang ôn hoà.

FSA kiểm soát 35 đến 40% lãnh thổ của khu vực giảm leo thang. 

Thứ hai, HTS là một liên minh các nhóm khủng bố hoặc Hồi giáo cực đoan có tới 20 nhóm vũ trang với khoảng 3.500 chiến binh. 
HTS được hỗ trợ bởi Arab Saudi. Nhóm này được liệt vào danh sách tổ chức khủng bố quốc tế. HTS kiểm soát từ 30 đến 35% lãnh thổ của khu vực giảm leo thang. 

Nhóm thứ ba, chính là IS với bốn đơn vị  lên đến 1.500 tên khủng bố. IS tồn tại ở đây bằng cách tống tiền từ người dân địa phương. 

IS là một tổ chức khủng bố quốc tế và kiểm soát tới 15 % lãnh thổ của khu vực giảm leo thang. 

Nhóm thứ tư, Ahrar al-Sham (AAS), có năm đơn vị quân sự chính lên tới 800 chiến binh, được hình thành trên cơ sở lãnh địa, liên kết với nhau dưới hình thức thành bang và không liên kết với các nhóm khác. 
AAS kiểm soát lên đến 10% lãnh thổ của khu vực giảm leo thang. 

Giao tranh xảy ra liên tục giữa các đơn vị của các nhóm khác nhau do tranh giành việc phân phối lại các khu vực ảnh hưởng, biến thành xung đột vũ trang giữa các nhóm.

Các lãnh đạo của Quân đội Syria và Ahrar al-Sham sẵn sàng hòa giải dưới những điều kiện nhất định và chuyển lãnh thổ của AAS sang kiểm soát của chính phủ Syria. 

HTS và IS, kiểm soát hơn một nửa lãnh thổ, không có khả năng thỏa thuận hay đàm phán và liên tục gây áp lực lên các nhóm “ôn hoà” hơn làm gián đoạn quá trình hòa giải. 

Số lượng chiến binh "không thể hòa giải" là tương đối nhỏ, khoảng 5.000 tên. 

Chính phủ Syria có thể thiết lập quyền kiểm soát khu vực giảm leo thang phía nam bằng cách đàm phán với các nhóm ôn hoà đồng thời với các hoạt động quân sự chống lại IS và HTS. 

Phương án song hành này hoạt động hiệu quả ở Đông Ghouta và Bắc Homs. 

Ở miền Nam Syria, có tới 60% chiến binh thuộc hai nhóm FSA và Ahrar al-Sham. Phần lớn các đơn vị này phụ thuộc vào viện trợ từ Ankara và Amman. Và đồng nghĩa các nhà tài trợ này có ảnh hưởng đến họ.
Vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ có tầm quan trọng tiên quyết, nó thể hiện ngay trong việc đàm phán - tái tổ chức giữa Ankara và Washington về việc rút các lực lượng người Kurd khỏi Manbij (thành phố và các khu vực lân cận nằm phía Bắc Syria)
và bàn giao lại cho các nhóm FSA được Thổ Nhĩ Kỳ viện trợ một cách hoà bình.

Người Nga “mua” Erdogan (Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ) như thế nào?

Hoa Kỳ đang phản ứng dữ dội trước sự hợp tác trong chính trị và quân sự giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga, trong đó trọng tâm là thương vụ mua sắm hệ thống phòng không S-400, tuy nhiên Washington vẫn tỏ ra thận trọng. 

Bất chấp những áp lực dựa theo chính sách của Quốc hội Hoa Kỳ nhằm ngăn chặn việc chuyển giao lô Máy bay tiêm kích tàng hình F-35 đầu tiên cho Ankara, Nhà Trắng đã lựa chọn không thực hiện việc gây áp lực kiểu này. 

Chỉ đơn giản dựa trên chi phí khổng lồ để nghiên cứu và sản xuất loại tiêm kích kể trên, việc không giao hàng cho đối tác sẽ gây tổn thất không nhỏ cho Lockheed, nhà thầu quân sự cho dự án F-35. 
Trong bối cảnh Lầu năm góc đã tạm ngưng triển khai kế hoạch mua sắm F-35. Đối với Lockheed, việc tìm kiếm khách hàng mới một cách nhanh chóng là điều không thể. 
Chi phí cho loại máy bay này rất đắt đỏ và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần chỉ trích Lockheed vì những chi phí không được điều chỉnh và liên tục tăng cao.

Vì vậy, Nhà Trắng đã không đồng ý với yêu cầu của Quốc hội vì nó sẽ làm ảnh hưởng đến mối quan hệ song phương và các vấn đề kinh tế. 

Cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ đang gần tới nơi, và vị trí của các tổ hợp công nghiệp quốc phongt có thể rất quan trọng đối với Tổng thống Mỹ. 

Một phần nhỏ trong chính quyền Mỹ tin rằng việc từ chối cung cấp những chiếc tiêm kích này sẽ giải quyết vấn đề mua S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ. 

Tuy nhiên, kết quả của những hành động như vậy có thể sẽ là việc người Thổ mua các tiêm kích Sukhoi của Nga trang bị cho Không quân Thổ Nhĩ Kỳ. Mất thị trường vũ khí Thổ Nhĩ Kỳ là một tổn thất nghiêm trọng đối với người Mỹ.

Cố vấn an ninh quốc gia của Trump, ông J.Bolton đang tích cực sử dụng vấn đề này để làm trọng lượng cho kế hoạch của mình ở Syria.

Thực tế người Mỹ phải chấp nhận rằng Tổng thống Erdogan vẫn nắm quyền lực tại Thổ Nhĩ Kỳ trong ít nhất một thập kỷ nữa.
Đây là kết quả của cuộc bầu cử sớm vào ngày 24/6. 

Nếu gây áp lực cho Thổ Nhĩ Kỳ bằng thương vụ F-35, sẽ là không khôn ngoan và đóng sập cánh cửa tiến hành các cuộc đàm phán về tình hình Syria dài lâu với Erdogan. 

Nhưng tình hình phức tạp ở miền bắc Syria đẩy quyết định của Washington, chính xác hơn là những ý tưởng của Bolton -  đã giảm thiểu sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Syria bằng các lực lượng đồng minh. 

Ý tưởng đưa Quân đội Arab Saudi,  Ai Cập và
UAE vào thay thế người Mỹ khả năng cao là đã thất bại, mọi sự trở nên rõ ràng hơn sau khi bắt đầu hoạt động quân sự của Liên quân Ả Rập can thiệp vào Yemen. Tất cả lực lượng mạnh nhất của đồng minh Hoa Kỳ tại Trung đông đều tập trung ở đó. 

Bolton đang bắt đầu thay đổi quan điểm để xác định với Thổ Nhĩ Kỳ về các quy tắc an toàn ở miền bắc Syria. 

Thổ Nhĩ Kỳ có kế hoạch tạo ra một hành lang an ninh dọc biên giới phía bắc Syria-Iraq tới biên giới Iran. 
Manbij sẽ là bước đầu tiên trong việc thành lập khu vực an ninh này, dự kiến khu vực sẽ đi qua các thành phố và vùng lân cận Idlib, al-Bab, Azaz và sẽ kết nối với hành lang an ninh ở miền bắc Iraq, sẽ được hình thành một thời gian nữa (hiện tại Đặc nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ đang thâm nhập và thực thi các nhiệm vụ tìm - diệt du kích PKK tại miền Bắc Iraq).

Khu vực an ninh kể trên được lên kế hoạch với chiều sâu 30 đến 40 km trong lãnh thổ Syria. 

Sau các cuộc đàm phán căng thẳng. Ngày 4/6, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlüt Çavuşoğlu và Ngoại trưởng Mỹ Michael Pompeo tại Washington đã đồng ý với một “bản đồ” trong khu vực Manbij. 

Quân đội từ Thổ Nhĩ Kỳ và Hoa Kỳ trong các cuộc đàm phán tiếp theo vào ngày 12-13/6 tại Stuttgart đã đồng ý về kế hoạch hành động rút quân của người Kurd từ Manbij, theo tuyên bố của Tổng Tham Mưu Thổ Nhĩ Kỳ ngày 14/6. 

Theo sau việc các đơn vị người Kurd ở Manbij chưa rút quân, kết luận cuối cùng của Nhà Trắng vẫn chưa được thực hiện. 

Kế hoạch rút quân của người Kurd cần được đồng thuận của giới ”lãnh đạo chính trị” Hoa Kỳ.

Số phận của Manbij chỉ rõ ràng nếu có sự đồng thuận giữa Bolton và Lầu Năm Góc (quân đội Mỹ muốn tối ưu hóa tuyến đầu và chuyển bớt lực lượng đến các khu vực ưu tiên sau chiến tuyến), và liên quan đến kế hoạch của Ankara để tạo ra một vành đai an toàn dọc theo toàn bộ đường biên giới Syria -Thổ Nhĩ Kỳ. Không có gì đảm bảo thoả thuận này không ​​thể thay đổi.

Việc tạo ra một khu vực kể trên có ý nghĩa như
sự khởi đầu của của liên minh Thổ Nhĩ Kỳ- người Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria. 

Người Thổ Nhĩ Kỳ cuối cùng sẽ phải thay thế các đồng minh Hoa Kỳ ở đó, họ sẽ không thể tham gia vào tiến trình hoà bình đang diễn ra tại Syria được nữa.
Điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả của  Astana và toàn bộ liên minh hiện tại giữa Ankara và Moscow ở Syria. 

Đồng thời, kế hoạch của Bolton không phải là vô nghĩa. Nó giải quyết một vấn đề địa chính trị rất nghiêm trọng trong một môi trường mà yêu cầu người Kurd chống lại IS đang trở nên không đáng kể.

Họ (người Thổ)  không thể làm việc vì lợi ích của Mỹ trên quy mô Syria. 

Sự leo thang của cuộc đối đầu dân tộc giữa người Kurd và người Arab sẽ làm chậm đi hiệu quả của các hành động can thiệp của Hoa Kỳ tại Syria. 

Sự suy giảm mối quan hệ giữa người Kurd và các bộ tộc Ả rập phía đông sông Euphrates đã xác nhận điều này. 

Nó đang đẩy Washington vào thế phải phục hồi liên minh với Ankara. 

Người Kurd sẽ bị những người Mỹ “vắt chanh bỏ vỏ”, như họ đã làm với các bộ lạc Sunni tại Anbar, những người đã giúp tiêu diệt al-Qaeda ở Iraq. 

Thổ Nhĩ Kỳ có ảnh hưởng đến các nhóm nổi dậy trên khắp lãnh thổ Syria và có thể giữ vững thành trì chống Assad ở Idlib (chủ đề này đang trở nên quan trọng với Hoa Kỳ theo các diễn biến quân sự của Syria với sự hỗ trợ của Moscow và Tehran nhằm loại bỏ các khu vực giảm leo thang). 

Thổ Nhĩ Kỳ có thể hình thành một mặt trận thống nhất các phe nhóm đối lập để tham gia vào các cuộc đàm phán với chính phủ Syria và đàm phán với những người Arab Sunni đang mâu thuẫn nặng nề với người Kurd ở bờ Đông sông Euphrates. 

Chính sách của Bolton giảm thiểu thiệt hại của Hoa Kỳ với hiệu quả tối đa.

Ông Trump nghĩ gì về quan hệ Moscow và Tehran?

Chúng ta hãy xem xét mối quan hệ giữa Damascus, Tehran và Moscow.

Cơ sở của sự khác biệt quan điểm của 3 nước, theo tin đồn là cuộc đối thoại của Nga với Israel mà không tính đến quan điểm của Iran và Syria. 

Tuy nhiên, Chủ tịch của Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran,  Ali Shamkhani bày tỏ sự ủng hộ hoàn toàn hành động của Moscow theo hướng này. 

Ông tuyên bố “Tehran hoan nghênh và hoàn toàn hợp tác với việc chuyển quyền kiểm soát trên tuyến biên giới phía nam Syria vào tay quân đội Syria”. 

Đặc biệt là việc này xảy ra khi một phần của các nhóm dân quân ủng hộ Iran đã gia nhập Vệ binh Cộng Hoà Syria - Sư đoàn cơ giới số 4 đang tham chiến tại nam Syria và Quân đội Syria đã đặt các hệ thống phòng không Pantsir-S1 ở Golan. 

Họ (Iran) đang đứng chân ở khu vực Quneitra (40km từ Damascus) để hỗ trợ các lực lượng chính phủ tấn công vào lãnh thổ đối lập ở miền nam Syria. 

Việc rút các nhóm dân quân Shia khỏi biên giới phía bắc của Israel không phải là mối quan tâm cơ bản đối với Iran. 

Mấu chốt của vấn đề là Iran tạo ra một mối đe dọa trả đũa thường trực cho Israel bằng cách đặt tên lửa tầm trung ở Syria, mà không phụ thuộc vào khoảng cách tới biên giới là bao xa.

Đối với người Iran, điều quan trọng là ngăn chặn mưu đồ xâm lược của Israel và Mỹ. 

Moscow sẽ đứng ra đảm bảo rằng những tên lửa này sẽ không khai hoả về hướng Israel mà không có đủ lý do chính đáng.

Các chuyên gia đánh giá về mối quan hệ giữa Tehran và Moscow ở Syria tin rằng, song song với quá trình tương tác giữa họ, một sự cạnh tranh tiềm ẩn đối với ảnh hưởng trong chính phủ và nhân dân Syria đang diễn ra. 

Iran đang tích cực làm việc với lực lượng dân quân và các nhóm vũ trang địa phương để trở thành một phiên bản của Hezbollah tại Syria.

Lực lượng này cũng như các đơn vị tự vệ địa phương ở Aleppo và các lực lượng dân quân Alawites, Sunni và những nhóm chiến binh Syria khác dưới sự giám sát của các cố vấn Iran, có
một phần hoặc toàn bộ tài chính, vũ khí hiện đang được tài trợ từ Tehran.

Iran cũng đưa các nhóm dân quân Shia nước ngoài đến Syria và thành lập các nhóm bán quân sự - tuyên bố trung thành với chính phủ Syria, nhưng thực tế là một đội quân song trùng cung cấp cho Tehran sự hiện diện quân sự lâu dài ở Syria. 

Moscow thì ngược lại, tăng cường xây dựng các cấu trúc chỉ huy, chiến đấu của quân đội chính phủ và các lực lượng an ninh chính quy bằng cách cung cấp vũ khí và xe cơ giới cũng như huấn luyện.

Các cố vấn quân sự Nga đã tham gia vào việc thành lập Quân đoàn tình nguyện xung kích số 4 người Alawite Syria để tham chiến ở Latakia, và sau đó là Quân đoàn tình nguyện xung kích số 5 với nhiệm vụ xung kích trên toàn lãnh thổ Syria, nhưng thực tế là hạn chế do ảnh hưởng của Iran. 

Viễn cảnh hình thành một lực lượng quân sự có khả năng thực hiện các nhiệm vụ mà không có sự tham gia của các nhóm dân quân ủng hộ Iran đã gây sự chú ý của Tehran.

Người Iran đã cố gắng khắc phục tình hình và đạt được sự đồng thuận để nhóm dân quân Hezbollah Syria tham gia quân đoàn 5. 

Theo các nguồn tin khác, cuộc tranh giành ảnh hưởng của Nga-Iran được thể hiện ngay cả ở Đông Aleppo, dưới sự kiểm soát của Damascus vào tháng 12 năm 2016. 
Ví dụ: Moscow tìm cách bình thường hóa quan hệ với người dân địa phương thông qua đối thoại với các trưởng lão, sử dụng các Cảnh binh người Hồi giáo Nga đến từ các nước Cộng hoà Chechnya, Kabardino-Balkaria và các nước cộng hòa Bắc Caucasian khác, với đa số là Hồi giáo Sunni tương đồng với đa số người dân Syria.

Một dạng tương tác như vậy cũng diễn ra tốt đẹp với lực lượng an ninh người Nga gốc Armenia Thiên Chúa Giáo, hoạt động thành công tại các khu phố của người Armenia Syria.

Tehran phải cố gắng mở rộng ảnh hưởng của mình ở Đông Aleppo thông qua việc hình thành các lực lượng địa phương theo Hồi giáo Shia không che dấu định hướng ủng hộ Iran của họ.

Các nhóm này sẽ khôi phục các cơ sở giáo dục và mở ra các trung tâm giáo dục văn hoá theo định hướng Hồi giáo Shia, làm trầm trọng các mâu thuẫn dân tộc và tôn giáo ở Syria, vốn đã được các nhóm khủng bố sử dụng là cái cớ cho việc kêu gọi Thánh chiến và thu hút chiến binh ngoại quốc. 

Do đó kết luận của các chuyên gia Hoa Kỳ như sau:

“Điều quan trọng là, Moscow đang duy trì đối thoại với Washington về cuộc xung đột Syria không chỉ đơn thuần là một cuộc đối thoại bình đẳng, nó khiến Iran cảm thấy mối đe dọa sau lưng.
Nhưng việc Iran sẵn lòng chấp nhận những nhượng bộ của Nga về nhiều vấn đề khác nhau là một thông điệp rất đáng nghi ngờ. 

Sẽ là hợp lý hơn nếu Iran thúc đẩy Nga không đối thoại với quân đội Mỹ. 

Cho đến nay Tổng thống Trump có vẻ lạc quan về liên minh của Moscow với Tehran hơn các nhà ngoại giao, người Mỹ chỉ cần không can thiệp, tự khắc vấn đề sẽ phát sinh. 

Đối với việc tạo ra các chân rết của người Iran, hãy cứ để họ tạo ra.

Đây sẽ là một câu hỏi hóc búa cho chính quyền ở Damascus, chứ không phải Moscow.

Lợi ích của Nga không bị đe dọa, bởi vì nếu thiếu sự hỗ trợ của Nga, người Iran sẽ không thể giữ tình hình ở Syria dưới sự kiểm soát của chính phủ Assad, và thậm chí không có cơ hội để phát triển lực lượng của họ. 

Iran đã chứng minh điều này vào đầu cuộc chiến,  các nỗ lực của các đơn vị vũ trang Iran và Syria bất thành đến mức dẫn tới kết quả tồi tệ và cuối cùng là sự can thiệp của Lực lượng Không quân vũ trụ Nga.”

Thứ Ba, 26 tháng 6, 2018

Chiến dịch Nam Syria (26/6)

Người dân địa phương ở Daraa và Sweida vui mừng khi Quân đội Syria giải phóng họ khỏi các nhóm khủng bố.

Chú thích ảnh: Bản đồ các mũi tấn công của Quân đội Syria vào khu vực Đông Daraa và Tây Bắc Sweida ngày 25/6.


Hơn 130 km vuông bao gồm một số ngôi làng và các khu dân cư ở tỉnh Daraa và vùng nông thôn phía Tây tỉnh Sweida đã được Quân đội Ả Rập Syria giải phóng khi các nhóm đối lập Quân đội Syria tự do (FSA) cộng tác và đẩy lui nhóm khủng bố Hayyat Tahrir al-Sham (HTS) có liên hệ với al-Qaeda.

Người dân địa phương đã có thể trở lại cuộc sống bình thường, trong khi các đơn vị quân đội đang tiếp tục hoạt động quân sự để giải phóng khu vực còn lại dưới hoả lực không quân nhằm vào các vị trí đối phương đã 
được định vị rõ ràng.

Trong vài ngày qua, các đơn vị quân đội Syria đã khôi phục an ninh cho các làng và thị trấn: Sakra Braq, Housh Hamad, Atlaf, Haman, Khirbet Haman, al-Moujadda, al-Madawara Alali, al-Shaiiah al-Gharbi, Shaiiah al-Sharqi , Jadal, Sour, al-Matleh, al-Shoumara, al-Boustan và Deir Dama.
Các cuộc không kích tại khu vực al-Lajat ở vùng nông thôn Daraa và Sweida gây ra những tổn thất nặng nề cho đối phương.

Kênh truyền hình nhà nước Syria SANA đã thực hiện cuộc phỏng vấn một số người dân làng Dama ở vùng nông thôn Tây Bắc Sweida. 

Người dân đã bày tỏ quan điểm vui mừng sau khi quân đội Syria chấm dứt các cuộc pháo kích của  các nhóm đối lập - khủng bố đã cướp đi mạng sống và gây thương tích cho thường dân những năm qua.

Người dân địa phương đã tỏ lòng khâm phục sự hy sinh của quân đội Syria để đi đến chiến thắng ngày hôm nay, và không quên
nhấn mạnh rằng chính người dân Syria chứ không ai khác sẽ ủng hộ quân đội cho đến khi tiêu diệt hoàn toàn các nhóm khủng bố.

Chú thích clip: Phóng sự của SANA với cuộc phỏng vấn người dân Syria tại Daraa và Sweida.


Lực lượng chính phủ Syria và Lực lượng đối lập Quân đội Syria Tự do (FSA) cộng tác để chống khủng bố.

Nhóm khủng bố Hayyat Tahrir al-Sham (HTS) có liên hệ với al-Qaeda đã tiến hành một cuộc phản kích nhằm vào các khu định cư đã được lực lượng chính phủ kiểm soát tại Daraa và Sweida, theo nguồn tin từ quân đội Nga.

Theo Trung tâm hòa giải Nga, gần 70 chiến binh HTS đã bị tiêu diệt tại trận khi các lực lượng chính phủ cùng với các chiến binh đối lập Quân đội Syria tự do (FSA) đẩy lùi cuộc tấn công ở miền nam Syria.

Quân đội Nga lưu ý rằng không có tổn thất nào trong của quân đội Syria, nhưng không đưa ra chi tiết về thương vong của các đơn vị FSA.

Toàn văn tuyên bố của Quân đội Nga:
"Trong 24 giờ qua, các chiến binh HTS đã tấn công các khu định cư đã đàm phán và cộng tác với chính phủ Syria.
Ngoài 70 chiến binh khủng bố bị tiêu diệt, quân đội chính phủ Syria đã phá hủy 3 xe bọc thép và 14 xe bán tải mang súng máy.”.
Tổng số các làng mạc và khu dân cư cộng tác với lực lượng chính phủ Syria tăng lên tới con số 14.

Hôm thứ bảy, Tổng thống Syria Bashar al-Assad cảnh báo trong cuộc phỏng vấn của truyền hình Nga rằng những kẻ khủng bố HTS có thể đang thực hiện ý tưởng xây dựng Caliphate (Đế chế Hồi giáo) với sự giúp đỡ của phương Tây. 

Cùng ngày, các lực lượng của chính phủ, cùng với các đơn vị FSA, đã đẩy lùi hàng chục cuộc tấn công của HTS tại khu vực của các tỉnh Daraa và Sweida.

Đây không phải là lần đầu tiên hai lực lượng đối đầu chính trong cuộc nội chiến Syria cùng chung chiến tuyến. 

Các đơn vị FSA thuộc hai nhóm Jaysh al-Islam, Ahrar al-Sham đã từng được Quân đội Syria mở đường từ căn cứ đối lập Đông Ghouta tới tham chiến tại khu vực Đông Qalamoun và Trại tị nạn Yarmouk dưới sự yểm trợ của Không quân Syria chống lại nhóm khủng bố IS năm 2015-2016.

Vào thời điểm đó, 2/3 lãnh thổ Syria đã nằm dưới sự quản lý của IS, nhóm khủng bố đã có những chiến thắng nhất định và mở rộng về hướng thủ đô Damascus trước khi thất bại tại Đông Qalamoun.

Hầu hết lãnh thổ của Syria đã được giải phóng bởi các lực lượng chính phủ dưới sự hỗ trợ của Không quân Nga, tuy nhiên, vẫn còn một số khu vực tồn tại các nhóm khủng bố nằm chủ yếu ở tây nam Syria do không quân Mỹ kiểm soát.

Các nhóm đối lập FSA hiện tại đã thể hiện sự cộng tác với quân đội chính phủ Syria trong tiến trình hoà bình do Nga là trung gian.

Chú thích clip: Quân đội Syria và đồng minh đối lập FSA phòng thủ tại Daraa và Sweida.

Chủ Nhật, 24 tháng 6, 2018

Ai đánh ai trong cuộc chiến tranh Yemen (24/6)


(Bài đã đăng trên SOHA.VN)

Cuộc chiến tranh vẫn đang tiếp diễn tại Yemen
có nguồn gốc từ sự thất bại của giai đoạn chuyển đổi chính trị được cộng đồng quốc tế hi vọng mang lại sự ổn định cho Yemen. Hay nói cách khác, cuộc chiến này bắt nguồn từ những xung đột vẫn tồn tại dai dẳng hàng chục năm nay mà càng ngày càng lan rộng do sự can thiệp của nước ngoài.

Ngay sau một loạt các hành động biểu tình mang phong cách “mùa xuân Ả Rập”. Tổng thống độc tài lâu năm, Ali Abdullah Saleh, bàn giao quyền lực cho phó Tổng thống Abdrabbuh Mansour Hadi. Ông Hadi ngay từ khi được nắm quyền đã phải đối mặt với nhiều vấn đề, bao gồm cả các cuộc tấn công của tổ chức khủng bố al-Qaeda, phong trào ly khai ở miền nam Yemen, sự trung thành của lực lượng Vệ binh Cộng hoà với Saleh, cũng như nạn tham nhũng, tỉ lệ thất nghiệp cao và an ninh lương thực.

Phong trào tôn giáo Houthi đã lãnh đạo một liên minh của người Hồi giáo Shia Yemen chiến đấu chống lại chính phủ của Saleh trong gần một thập kỷ, đã tận dụng sự yếu ớt của chính phủ Hadi.
Một điều đáng chú ý là cũng như các lực lượng đối lập tại Syria được Arab Saudi tài trợ, thì Houthi được Iran tài trợ chính.

Houthi đã mở rộng tấn công trên khắp các mặt trận và kiểm soát phía bắc của tỉnh Saada và các vùng lân cận.
Thất vọng với việc chính phủ Hadi không có nhiều cải cách hiệu quả so với người tiền nhiệm, mà thực tế là Yemen lại càng hỗn loạn hơn, nhiều người Yemen, bao gồm cả người theo Hồi giáo Sunni quay sang ủng hộ Houthi.
Vào cuối năm 2014 và đầu năm 2015, phiến quân Houthi đã tiến vào kiểm soát hoàn toàn thủ đô Sanaa. Tổng thống Hadi đã phải chạy trốn đến thành phố cảng phía nam Aden.
Houthis và lực lượng Vệ binh Cộng hoà trung thành với Saleh, người được cho là đã ủng hộ kẻ địch cũ trong hi vọng giành lại quyền lực đã gần như kiểm soát toàn bộ đất nước, buộc Hadi phải chạy ra nước ngoài vào tháng 3 năm 2015.

Các diễn biến kể trên là hồi chuông báo động tại Yemen liên quan tới sự lớn mạnh của Houthi, nhóm vũ trang mà Arab Saudi và các nước đồng minh Vùng Vịnh tin rằng được ủng hộ quân sự bởi Iran.

Arab Saudi và 8 nước Arab Sunni thành lập một Liên quân can thiệp mở đầu bằng một chiến dịch không kích hỗ trợ cho các lực lượng trung thành với Hadi. Liên quân Sunni này nhận được hỗ trợ hậu cần và thông tin tình báo từ Mỹ, Anh và Pháp.

Gần ba năm chiến tranh lan rộng trên mọi cấp độ dường như đã khiến cả hai phía (Houthi-Saleh và Liên quân-Hadi) lâm vào thế bế tắc trên chiến trường, 3 nỗ lực của Liên Hiệp Quốc để đưa cả hai phía vào một bàn đàm phán hoà bình đã thất bại.
Các lực lượng chính phủ Yemen bao gồm các binh sĩ trung thành với Hadi và chủ yếu là các bộ lạc ly khai miền Nam Yemen đã thành công trong việc chặn đứng cuộc tấn công của Houthi vào thành phố cảng Aden, với một trận chiến đẫm máu kéo dài bốn tháng với sự yểm trợ đáng kể của Liên quân Sunni.

Do trên mặt trận lực lượng Houthi và Vệ binh cộng hoà trung thành với Saleh áp đảo về quân số và vũ khí. Liên quân Sunni quyết định leo thang chiến tranh, các đơn vị chiến đấu trên bộ của Liên quân đã được không vận tới Aden vào tháng 8 năm 2015 và giúp đẩy lùi Houthi ra khỏi miền nam Yemen trong vài tháng sau đó.
Những người ủng hộ Tổng thống Hadi đã thành lập một chính phủ lâm thời ở Aden, mặc dù Hadi vẫn còn đang lưu vong.
Tuy vậy, hiệu quả tác chiến của các lực lượng Hadi và Liên quân Saudi là chưa đủ để đẩy lùi Houthi ra khỏi thủ đô Sanaa, và Houthi vẫn tiếp tục duy trì một cuộc bao vây của thành phố phía nam Taiz và liên tục bắn đạn pháo, tên lửa qua biên giới vào các vị trí chính trị - quân sự của Arab Saudi.
Không những vậy, các toán đột kích của Houthi liên tục tập kích các đơn vị biên phòng sâu trong lãnh thổ Arab Saudi bằng cách đánh du kích. Gần như quân đội Arab Saudi bị động, trang bị cơ giới, đạn dược và vũ khí của các đơn vị biên phòng hầu hết bị Houthi chiếm hoặc tiêu huỷ.

Các nhóm khủng bố al-Qaeda ở bán đảo Ả Rập (AQAP) và chi nhánh của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã lợi dụng sự hỗn loạn bằng cách chiếm một số khu vực lãnh thổ ở phía nam và thực hiện các cuộc tấn công khủng bố, đặc biệt là ở Aden.

Việc phóng tên lửa đạn đạo đất đối đất của Houthi tới thủ đô Riyadh của Arab Saudi vào tháng 11/2017 đã khiến Liên quân Sunni thắt chặt phong tỏa Yemen.
Liên quân cho biết họ muốn ngăn chặn việc buôn lậu vũ khí tới tay quân nổi dậy của Iran - một cáo buộc mà Tehran phủ nhận - nhưng LHQ cho biết cuộc bao vât này có thể khiến xảy ra "nạn đói lớn nhất thế giới” tại Yemen.
Mặc dù Liên quân đã nới lỏng những chính sách bao vây đối với các cảng biển sau vài tuần, việc bị 
đóng cửa vẫn tiếp tục kéo dài dẫn đến tăng mạnh về giá các các mặt hàng cơ bản, đưa an ninh lương thực chạm mốc nguy hiểm và sụp đổ các dịch vụ con người cơ bản.

Liên minh giữa Houthi và Saleh đổ vỡ

Vào cuối tháng 11 năm 2017, một tranh chấp giữa Houthi và các lực lượng trung thành với Saleh về quyền 
kiểm soát nhà nguyện Hồi giáo lớn nhất Sanaa đã gây ra các cuộc đụng độ vũ trang khiến hàng chục người thiệt mạng. 

Ngay sau đó, Saleh đề xuất "giở sang một trang mới" với Liên quân Sunni do Saudi lãnh đạo nếu họ ngưng không kích Yemen, rút các lực lượng bộ binh và chấm dứt phong tỏa các cảng biển. Houthis phản ứng lại bằng cách cáo buộc Saleh  "đảo chính" chống lại "một liên minh mà Saleh không thể hiện lòng tin".
Các chiến binh Houthi bắt đầu một chiến dịch để kiểm soát toàn bộ thủ đô Sanaa vào ngày 4/12/2017.
Sau đó, Houthi thông báo rằng Saleh đã bị giết trong khi cố gắng chạy trốn khỏi thủ đô.

Liên minh giữa Nam Yemen và Hadi đổ vỡ

Chỉ vài tuần sau các sự kiện tại Sanaa, bất đồng cũng phát triển và dẫn tới giao tranh vũ trang giữa các lực lượng ủng hộ chính phủ Hadi.

Những bộ lạc ly khai tại Nam Yemen chủ trương độc lập (khu vực này đã từng là một quốc gia có chủ quyền trước khi sát nhập với miền Bắc Yemen vào năm 1990) đã thành lập một liên minh lỏng lẻo với quân đội trung thành với Hadi vào năm 2015 để ngăn chặn Houthi chiếm Aden.

Nhưng mối quan hệ liên minh này luôn luôn xảy ra tình trạng căng thẳng - bất đồng do mục tiêu hoàn toàn khác nhau đã dẫn đến “giọt nước tràn ly” khi Hội đồng chuyển tiếp miền Nam (STC) - Đại diện liên minh các bộ lạc ly khai vào tháng 1 năm 2018 cáo buộc chính phủ Hadi tham nhũng và quản lý kém, và yêu cầu Thủ tướng Ahmed bin Daghar từ chức.
Daghar từ chối đối thoại và tố cáo những gì ông gọi là một cuộc đảo chính "chống lại tính hợp pháp và sự đoàn kết của đất nước" khi các nhóm vũ trang ly khai cố gắng chiếm các cơ sở chính phủ và căn cứ quân sự tại Aden bằng vũ lực.

Tình hình đã được trở nên phức tạp hơn bởi các thành phần trong Liên quân do Saudi dẫn đầu. Arab Saudi ủng hộ Hadi, người đang ở Riyadh, trong khi Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) lại có mối liên kết chặt chẽ với những người ly khai miền nam.

Tương lai của một cuộc thế chiến nếu Yemen và Syria không thể giải quyết bằng biện pháp hoà bình.

Ali Abdullah Saleh sẽ được nhớ đến như một người đã định hình Yemen hiện đại theo hình ảnh của chính mình, nhưng cũng là người sẵn sàng đưa cả đất nước trở lại lò lửa xung đột hơn là từ bỏ quyền lực. 
Tuy nhiên, nếu không có kỹ năng đàm phán của ông, cuộc nội chiến mà ông ta đã tham gia dẫn tới cuộc khủng hoảng nhân đạo và tàn phá chết chóc chỉ có khả năng trở nên tồi tệ hơn. 
Cái chết của Saleh gây sốc cho hầu hết người dân Yemen.  Hình ảnh của Saleh ở Yemen giống như một kẻ cai trị thông minh “nhảy múa trên đầu các con rắn". Saleh là người kiến tạo các thoả thuận hoà bình mà chính chúng - đã vượt quá sự mong đợi của nhân dân Yemen.
Ngay sau khi Saleh được bổ nhiệm làm Tổng thống của Bắc Yemen vào tháng 7 năm 1978, CIA đã dự đoán rằng ông sẽ chết trong vòng sáu tháng, và ông sẽ là người mới nhất trong một loạt các nhà lãnh đạo Yemen để trở thành nạn nhân của cuộc xung đột nội bộ. 
Nhưng ngược lại, Saleh tiếp tục kiểm soát Yemen trong 33 năm, vượt qua các nỗ lực ám sát bao gồm cả một vụ đánh bom liều chết trong năm 2011 - và thậm chí đến những sự kiện sau đó tại Yemen.
Tuy nhiên, cái chết của Saleh cho tới nay thể hiện một sai lầm của ông này trong nhận định.
Khi Saleh đề xuất một phương án hoà bình với Arab Saudi bằng một buổi gặp gỡ bí mật, người Saudi đã quyết định số phận của ông.
Cho tới tháng 4 năm 2018, các video được Không quân Saudi tung ra thể hiện một cuộc tập kích bằng máy nay không người lái tiêu diệt “người nhảy múa trên đầu các con rắn” khi ông này đến địa điểm đàm phán.
Rõ ràng, với Arab Saudi, con bài Saleh hiện không còn quan trọng khi các lực lượng Hadi và miền Nam đang vẫn duy trì được thế cân bằng trên chiến trường.
Tuy vậy, vắng bóng Saleh, các lực lượng vũ trang (hiện tại có ít nhất 6 lực lượng tham chiến tại Yemen) sẽ không bao giờ có thể ngồi vào bàn đàm phán trong tương lai.

Có thể thấy rõ, ở những tháng đầu năm 2018, với thực tế bất phân thắng bại của Houthi và các lực lượng chống lại họ, tình hình trên chiến trường tại Yemen đang đóng băng với một chút lợi thế cho Houthi.

Tuy nhiên, cùng với việc Bộ Quốc phòng Arab Saudi, rút kinh nghiệm từ việc những đoàn xe cơ giới của Liên Quân Sunni liên tục bị các toán Houthi phục kích, đã trang bị hơn 200 pháo tự hành M107-A7 và hàng nghìn hệ thống tên lửa chống tăng ATGM trong lần gần đây nhất công du Mỹ và Châu Âu của Thái tử Muhammad bin Salman - Bộ trưởng quốc phòng Arab Saudi - Chỉ huy trưởng Liên quân Sunni can thiệp tại Yemen.

Như vậy cuối năm 2018, sau khi trang bị đã được đưa đến các đơn vị tại Yemen, Liên quân Sunni sẽ tổ chức các cuộc hành quân sâu vào lãnh thổ Houthi kiểm soát. Như vậy, thế cân bằng sẽ bị phá vỡ. Houthi sẽ nguy ngập, và có thể Iran sẽ can thiệp chính thức.

Đề nghị của Tổng thống Donald Trump tới Arab Saudi và các nước Vùng Vịnh liên quan tới việc đưa Liên quân Sunni vào khu vực phía Đông sông Euphrate tại Syria hỗ trợ cho các lực lượng đối lập người Kurd có thể là mồi lửa cho cuộc chiến tranh lan rộng ra toàn khu vực Trung Đông.

Tầm quan trọng của Syria đối với Iran và Iraq như thế nào thì Yemen với Arab Saudi và các nước Sunni Vùng Vịnh cũng như vậy. Hiện trạng hai liên minh Shia và Sunni vẫn chưa đối địch trực tiếp trên chiến trường, vẫn chỉ là cuộc chiến bất đối xứng với các lực lượng đối lập địa phương chiến đấu uỷ nhiệm với sự hỗ trợ ngầm của Iran hay Saudi.
Nhưng nếu Saudi can thiệp vào Syria, đồng nghĩa Iran sẽ can thiệp vào Yemen.
Cho tới lúc đó, một viễn cảnh chiến tranh lan rộng trên toàn Trung Đông (có một sự tương đồng nhất định giữa vấn đề Yemen, Syria và cuộc chiến tranh Triều Tiên) khi hai phía đối địch:
- Một bên là Liên quân Sunni, các lực lượng Hadi và ly khai miền nam Yemen, Lực lượng dân chủ Syria (SDF) đa phần là người Kurd.
- Một bên là Vệ binh cộng hoà Iran, quân đội Syria, Hezbollah, các nhóm vũ trang Shia của Iraq, Afghanistan, Pakistan, Syria, Palestine cùng với Houthi.

Ở giai đoạn này, một nỗ lực trung gian hoà bình do Liên Hiệp Quốc bảo trợ là không đủ, mà cần sự cẩn trọng trong bất kỳ động thái quân sự nào của các bên liên quan tới cuộc chiến tại hai nước Syria và Yemen. 
Bởi vì nếu không thể kiềm chế, cuộc Chiến tranh Trung Đông và tiếp sau đó là Chiến tranh Thế giới thứ 3 sẽ bắt nguồn từ những cuộc nội chiến - uỷ nhiệm trong khu vực Trung Đông.