Thứ Hai, 12 tháng 3, 2018

Hi vọng trên đống tro tàn cách mạng 2011 ở Syria, hay nhân tố tàn cục của nội chiến Syria (P2-12/3/2018)

Phần 2: Mohammad al-Julani của liên minh HTS





Abu Mohammad al-Julani lãnh đạo của Mặt trận Giải phóng vùng Sham (HTS- Hayyat Tahrir al-Sham) được Mỹ liệt vào danh sách những tên khủng bố đặc biệt cần phải tiêu diệt từ năm 2013 và treo thưởng cái đầu giá 10 triệu đô la vài năm sau đó.

Mohammad al-Julani tên thật là Ahmad Hussain al-Sharaa sinh ra ở làng Al-Rafid, thuộc tỉnh
Quneitra trên cao nguyên Golan. Năm sinh của Julani chưa rõ ràng, theo Julani tuyên bố thì ông sinh năm 1974 nhưng theo gia đình ông thì năm sinh thực tế của Julani là 1981.
Cha Julani làm việc trong ngành khai thác và lọc
dầu tại Syria trước khi chuyển tới Arab Saudi để làm việc tại đó. Trong thời gian này cha ông xuất bản một số sách về kinh tế học.
Sau nhiều năm làm việc tại Arab Saudi, cha ông quay trở lại Syria và mở một cửa hàng nhỏ ở Damascus. 
Mẹ của Julani có bằng thạc sỹ về Địa lý và là giáo viên tại Syria.
Julani lớn lên tại Damascus sau khi gia đình ông không thể trở về nhà ở Golan khi Israel chiếm cao nguyên này năm 1967. 
Julani đã học ngành truyền thông tại trường đại học Damascus. Chiến tranh của Mỹ tại Iraq năm 2003 đã làm gián đoạn quá trình học tập của Julani và ông rời khỏi Syria để tham gia cuộc nổi dậy của người Hồi giáo tại Iraq chống lại cuộc xâm lược của người Mỹ.

Cụm từ "Al-Julani" trong tên của ông là một miêu tả phần phía Tây cao nguyên Golan của Syria, bị chiếm đóng và sáp nhập vào Israel trong và sau
chiến tranh năm 1967.

Khi Julani sang Iraq gần như ngay lập tức ông đã tham gia al-Qaeda để chiến đấu với các lực lượng chiếm đóng Hoa Kỳ. Julani nhanh chóng thăng tiến trong hàng ngũ al-Qaeda ở Iraq, và theo báo cáo của người Mỹ thì Julani là một cánh tay phải của thủ lĩnh al-Qaeda Abu Musab al-Zarqawi. 
Khi al-Zarqawi bị tiêu diệt trong một cuộc không kích của Mỹ vào năm 2006, Julani đang ở Lebanon, phụ trách đầu mối hỗ trợ hậu cần cho nhóm chiến binh Jund al-Sham. Một thời gian ngắn sau đó Julani trở lại Iraq để tiếp tục chiến đấu nhưng đã bị quân đội Mỹ bắt sống và giam giữ tại Camp Bucca. 

Tại trại giam, nơi quân đội Hoa Kỳ giam giữ hàng chục ngàn người tình nghi là các chiến binh khủng bố, ông đã dạy tiếng Ả Rập cổ cho các tù nhân khác.
Sau khi được thả khỏi nhà tù Camp Bucca năm 2008, al-Julani đã tiếp tục công việc thánh chiến của mình, lần này cùng với Abu Bakr al-Baghdadi, người đứng đầu Nhà nước Hồi giáo Iraq (ISI) mà sau này là tổ chức khủng bố két tiếng IS (Nhà nước Hồi Giáo tự xưng).
Julani được bổ nhiệm làm Emir (tiểu vương) của ISI tại tỉnh Nineveh, Iraq

Gần như ngay sau khi cuộc nổi dậy chống lại chính phủ của tổng thống Syria Bashar al-Assad bắt đầu vào năm 2011, al-Julani đã đóng vai trò chính trong việc lên kế hoạch và thực hiện một sứ mệnh mà al-Baghdadi giao cho, sứ mệnh mở rộng ISI sang Syria và thành lập một chi nhánh của tổ chức này được gọi là Jabhat al-Nusra.

Jahbat al-Nursa đã trở thành xung kích của ISI. Việc hình thành Jabhat al-Nusra của Al-Julani được tạo ra bởi những tên Mujahiddin ngoại quốc, vũ khí và tiền của ISI theo lệnh Abu Bakr al-Baghdadi. 
Hiện đang có nhiều tranh cãi về việc Julani có nghiêm chỉnh thực hiện kế hoạch này hay không.
Vì trên thực tế Jahbat al-Nursa tới năm 2014 đã thoát ly khỏi liên minh với IS (ISI đổi tên).
Julani được tuyên bố là "Lãnh đạo tối cao” của al-Nusra, được công bố lần đầu tiên vào tháng 1 năm 2012. 
Đến tháng 12 năm 2012, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ liệt Jabhat al-Nusra là một tổ chức khủng bố , nhấn mạnh rằng nó chỉ là một bí danh của ISI (Al-Qaeda Iraq - còn gọi là Nhà nước Hồi giáo Iraq).
Dưới sự lãnh đạo của Julani, al-Nusra trở thành một trong những nhóm đối lập quyền lực nhất ở Syria, các nhóm tinh nhuệ của al-Nursa đánh đâu thắng đó và dẫn đầu lực lượng đối lập mở rộng vùng kiểm soát tại Syria trước sự yếu kém của Quân đội Syria giai đoạn này.
Dần dần Julani đã thoát khỏi cái bóng của IS và cho tới năm 2013, Julani (sau khi đạt được sự ủng hộ của lãnh đạo kế tục al-Qaeda sau Osama Bin Laden - Ayman al-Zawahiri) tuyên bố không còn liên hệ với IS, giai đoạn 2013 cho tới 2014 giao tranh giữa Jahbat al-Nursa và IS lan rộng khắp các vùng đối lập tại Syria kết thúc bằng việc Jahbat al-Nursa di chuyển về các tỉnh Idlib, Hama, Damacus, Daraa và Tây Aleppo đổi lại IS hoạt động tại Đông Aleppo, Hasakah, Homs, Deir Ezzor và lan rộng, công khai ở Iraq năm 2014.
Al-Julani đã có một phát ngôn vào ngày 28 tháng 9 năm 2014, trong đó ông tuyên bố sẽ chống lại "Hoa Kỳ và các đồng minh" và kêu gọi các chiến binh của ông không chấp nhận sự giúp đỡ của phương Tây trong cuộc chiến chống lại IS.
Với việc Jahbat al-Nursa của Julani càng ngày càng đóng vai trò lãnh đạo của lực lượng đối lập, và những thất bại liên tục của Quân đội Syria trước al-Nursa, Tổng thống Bashar al-Assad đánh giá al-Nursa là đối thủ hàng đầu đe doạ sự tồn vong của chế độ, và Lực lượng đặc biệt Hổ được thành lập do Thiếu tướng (lúc này là Đại tá) Suheil al-Hassan được thành lập với mục tiêu quan trọng nhất là tiêu diệt al-Nursa.
Giai đoạn 2014-2015 là những trận đánh liên tục giữa lực lượng Hổ cơ động khắp các chiến trường tại Syria, lực lượng Hổ được sự hỗ trợ đắc lực của người Alawite, người Thiên chúa giáo đã giáng cho Al-Nursa những đòn thích đáng.
Mặc dù trên các phát ngôn chính thức Julani luôn nói rằng tổ chức al-Nursa không nhằm vào mục tiêu thanh lọc tôn giáo (nhằm vào người thiểu số Hồi giáo Alawite, người Thiên chúa giáo) nhưng trên áp lực thua trận, vào tháng 10 năm 2015, Julani kêu gọi các cuộc tấn công phối hợp của lực lượng đối lập bừa bãi vào các làng Alawite ở Syria.
Julani nói "Không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc leo thang chiến tranh và nhắm mục tiêu các thị trấn và làng mạc Alawite ở Latakia". 

Với việc người Nga chính thức can thiệp vào Syria cuối năm 2015 theo sự kêu gọi giúp đỡ của Tổng thống Bashar al-Assad, Julani đã xác định một kẻ địch mới ngoài Mỹ, chính phủ Syria và IS đó là người Nga.
Julani kêu gọi các nhóm Mujahideen đang hoạt động tại không gian hậu Xô Viết tham gia thánh chiến tại Syria để chống lại người Nga.
Vào ngày 28 tháng 7 năm 2016, Julani tuyên bố trong một thông điệp rằng Jabhat al-Nusra từ nay trở đi sẽ được đặt dưới cái tên mới là Mặt trận chinh phục vùng Sham (JFS-Jabhat Fateh al-Sham). 
Như một phần của thông báo, Julani tuyên bố rằng nhóm đã "không còn liên kết với bất kỳ yếu tố ngoại quốc nào ngoài người Syria”.
Mặc dù một số nhà phân tích đã giải thích điều này có nghĩa là tách khỏi Al-Qaeda, nhóm này không được đề cập cụ thể trong tuyên bố này, và Julani đã không từ bỏ lời thề trung thành với Ayman al-Zawahiri (lãnh đạo al-Qaeda).

JFS đã kết thúc vai trò của nó chỉ 8 tháng sau khi thành lập, và gần như ngay sau thất bại của lực lượng đối lập tại thành phố Aleppo cuối năm 2016, ngày 28 tháng 1 năm 2017 một liên minh mới có tên Tổ chức giải phóng vùng Sham (HTS-Hayyat Tahrir al-Sham) được chính thức thành lập như một sự hợp nhất giữa JFS, 1/2 binh lực của Ahrar al-Sham, Ansar al-Din, Jaysh al-Sunna, Liwa al-Haqq, và Nour al-Din al-Zenki.
Dưới sự lãnh đạo của Julani, HTS đã ngày càng lấn lướt các phe nhóm đối lập khác như Ahrar al-Sham, Faylaq al-Sham, các nhóm Quân đội Syria tự do FSA tại tỉnh Idlib, tỉnh Aleppo, tỉnh Hama.
Tuy nhiên cho tới năm 2018, thực tế chiến trường không còn có lợi cho Julani nữa, với
việc chiến dịch giải phóng sân bay Abu Duhour và các vùng nông nghiệp phía Đông sân bay này được Lực lượng Hổ kiểm soát đã đánh vào hệ thống của HTS những đòn chí tử.
Các đối thủ của HTS được lãnh đạo bởi Hassan Soufan, một lãnh đạo khá ôn hoà đã liên kết với nhau (dưới sự hỗ trợ ngầm của Thổ Nhĩ Kỳ và Nga) để thành lập liên minh Mặt trận giải phóng Syria (JTS-Jahbat Tahrir Syria) cáo buộc chính sách áp dụng Sharia bừa bãi của HTS không khác gì IS và hành động hèn nhát của HTS trên mặt trận trước các lực lượng chính phủ.
Thời gian từ cuối tháng 2 đến nay JTS đã có những chiến thắng ngoạn mục tại phía Nam tỉnh Idlib, đánh bật HTS ra khỏi đa phần Idlib. Những hồi chuông báo tử cho HTS nói chung và Julani nói riêng đã điểm.

1 nhận xét:

  1. ban co gang cho nhieu bai viet nhu the nay nhe . minh se theo doi thuong xuyen

    Trả lờiXóa