Thứ Tư, 30 tháng 5, 2018

Nền kinh tế chiến tranh tại Trung Đông (30/5/2018)

(Bài không sử dụng trên báo chính thống do phân tích nhạy cảm).


Nội chiến đã có những tác động tàn phá về mọi mặt đối với cả Libya và Syria, nhưng nó cũng tạo cơ hội cho các nhân tố mới phát triển trong nền kinh tế chiến tranh, các nhà buôn chiến tranh.

Ở Libya hiện tại là giai đoạn hoà bình giả hiệu, việc chế độ của Gaddafi sụp đổ cùng sự gia tăng các nhóm vũ trang mà thành phần cơ bản là các bên tham gia cuộc nội chiến trước đó đã làm tê liệt khả năng quản lý, giám sát và cưỡng chế của chính phủ (hiện tại ở Libya có 2 chính phủ tồn tại song song) đã tạo ra một môi trường thuận lợi cho sự phát triển một nhóm các “thương gia” sống nhờ xung đột và các hệ thống giám sát - quản lý thị trường mới của các nhóm vũ trang. 

Tại Syria, hiện tại nội chiến vẫn đang tiếp tục, sự bất lực của chính quyền trong các khu vực họ không thể kiểm soát được và giao tranh vẫn đang diễn ra tương tự như tình trạng hai chính phủ ở Libya dẫn đến việc hàng loạt nhóm vũ trang hình thành ở cả hai phía (chính phủ và phiến quân), song hành với nó là một loạt các “nhà kinh tế” mới, một số ủng hộ chính phủ, số khác lại ủng hộ các nhóm vũ trang đối lập.
Những người này với sự cố gắng đáng kể và khả năng thương mại đã kiếm lời ngay cả trên tiền tuyến.
Sự nổi lên của những nhà buôn chiến tranh này về cơ bản sẽ tạo một sự hỗ trợ tiêu cực cố ý cho việc kéo dài xung đột và làm gián đoạn các nỗ lực hòa giải. 
Việc phân tích các thành phần cấu thành kinh tế chiến tranh và nhà buôn chiến tranh là một thách thức đối với người viết.
Mục đích của bài viết này là cố gắng mô tả được một phần của nền kinh tế chiến tranh. Điều đó bao gồm các hoạt động kinh tế phụ thuộc trực tiếp hoặc gián tiếp vào việc phân phát vũ khí quân bị để kéo dài bạo lực.
Mặc dù có nhiều khác biệt giữa các cuộc xung đột ở Libya và Syria, các hỗ trợ tiêu cực cố ý được tạo ra bởi các hoạt động phụ thuộc vào việc phân phát vũ khí quân bị là có thể nhận ra sự tương đồng trong cả hai bối cảnh. 


Bài viết này khảo sát bốn phương thức chính của nền kinh tế chiến tranh tại Libya và Syria: 
1. Tiền bảo vệ - bảo kê, thuế áp đặt trên hàng hoá thông qua các trạm kiểm soát
2. Lợi nhuận trực tiếp do bán hàng.
3. Tiếp cận và chiếm đoạt các nguồn thu của chính phủ.
4. Sự bảo trợ của các thế lực ngoại quốc.

Trong mỗi phương thức, bài viết sẽ minh họa phương thức thực thi bạo lực, tình trạng yếu kém của các chính phủ để củng cố lập luận về chúng.

Phân tích này cũng đặt ra các câu hỏi quan trọng cho các chính phủ trong tương lai tại Libya và Syria, về việc tái chi phối nền kinh tế, chấm dứt tình trạng kinh tế chiến tranh mà hiện đang bị bỏ qua bởi các phân tích tập trung vào các nỗ lực hoà bình quốc tế và các cuộc tái thiết sau khi chiến tranh kết thúc.

Môi trường để 
kinh tế chiến tranh phát triển gần như hoàn toàn bùng nổ song song với sự yếu kém trong quản lý của các chính phủ.

Nhưng phải nhìn nhận sự mong muốn tái khẳng định quyền lực cấp chính phủ có những sự khác biệt khác nhau tuỳ từng nước. 

Việc khẳng định quyền lực chính phủ ở Syria dường như gắn bó chặt chẽ với việc tái củng cố quyền lực của Tổng thống Bashar al-Assad. Trong khi đó, ở Libya vẫn còn một hi vọng cho một phương án trung dung để giải quyết vấn đề và dẫn đến một hệ thống toàn diện hơn.

Tuy nhiên đối với hai nước, xu hướng có thể nhận thấy là kinh tế chiến tranh và các nhà buôn chiến tranh sẽ vẫn tồn tại trong giai đoạn hậu chiến dù việc khẳng định quyền lực có ra sao.

1. Tiền bảo vệ - bảo kê, thuế áp đặt trên hàng hoá thông qua các trạm kiểm soát

Việc kiểm soát lãnh thổ và cơ sở hạ tầng kinh tế là một công cụ sinh lời mạnh mẽ ở Libya và Syria. 
Trong các vùng đất đối lập không có sự quản lý của chính phủ, một thị trường cung cấp bảo vệ - bảo kê là cần thiết khi các nhóm vũ trang đối lập càng ngày càng bạo lực.

Tại Syria, các điểm kiểm soát giữa khu vực bị bao vây tại Đông Ghouta và lãnh thổ chính phủ bao quanh nó được gọi là "Điểm kiểm soát tiền triệu".
Số tiền khổng lồ thu được từ việc đánh thuế áp đặt một cách không chính thức vào tất cả các loại hàng hóa đi qua các Điểm kiểm soát.
Vào năm 2015, chi phí để làm một con đường trong Đông Ghouta đắt gấp 24 lần ở thủ đô Damascus, và tất nhiên lợi nhuận này phụ thuộc vào việc duy trì sự thù địch giữa các lực lượng đối lập ở Đông Ghouta và những vùng chính phủ kiểm soát bao quanh khu vực. 
Khoản tiền này được chia đều cho cả hai phía, cả quân đội chính phủ lẫn những nhóm vũ trang đối lập. Điều này lý giải sự tồn tại của một khu vực đối lập lớn bị cô lập nằm cạnh thủ đô Damascus trong gần 8 năm, cho tới đầu năm 2018 khi các nỗ lực của Quân đội Syria thành công tại chiến dịch “Thép Damascus” nhằm vào Đông Ghouta.

Tại Libya, phong tỏa các giếng dầu được các nhóm vũ trang sử dụng như một công cụ để tống tiền chính phủ. 

Sự kiện phong tỏa một dải các giếng dầu hình Lưỡi liềm tại Libya từ năm 2013 tới năm 2016 của nhóm vũ trang do Ibrahim Jadran lãnh đạo được cho là làm thiệt hại cho chính phủ Libya 100 tỷ USD và Jadhran đã tống tiền chính phủ 40 triệu USD.

Việc phong tỏa không thực sự kết thúc bằng việc chính phủ Libya trả tiền mà đúng hơn là do các lực lượng của Jadhran bị đánh lui bị khỏi khu vực.

2. Lợi nhuận trực tiếp do bán hàng.

Thế giới đã thấy IS kiểm soát các mỏ dầu hai bờ sông Euphrate tại tỉnh Deir Ezzor và thu nhập khủng khiếp của IS. 
Nhưng chính các bộ tộc địa phương chứ không phải là IS đã khai thác dầu thô và lọc dầu. 
IS chỉ đơn giản là đánh thuế vào các hoạt động sản xuất và tham gia vào quá trình vận chuyển, tiêu thụ dầu thô.
Trong thời hoàng kim của IS năm 2015, một nghiên cứu ước tính rằng IS kiếm được 2-3 triệu USD một ngày từ buôn lậu dầu, khoảng 1/4 số tiền đó được IS chia cho các lãnh đạo bộ lạc địa phương, những người thề trung thành và cung cấp chiến binh cho IS.
Việc tái kiểm soát của chính phủ Syria năm 2017 đối với các nguồn tài nguyên và lãnh thổ này đã làm giảm đáng kể thu nhập của IS. Và gần như ngay lập tức, Lực lượng dân chủ Syria (SDF) mà đa phần là người Kurd đã trám chỗ của IS ở bờ Đông sông Euphrate với sự ủng hộ của các bộ lạc địa phương vag người Mỹ.

Ở Libya, sự vắng mặt của các lực lượng chấp pháp chính phủ do tồn tại song song 2 chính phủ  và lãnh thổ rộng lớn được quản lý bởi các bộ lạc địa phương (gần như 100% nam giới Libya đều trang bị vũ khí cá nhân) đã dẫn đến sự cạnh tranh hoàn toàn mở trong thị trường đen - buôn lậu tại Libya và gia tăng số lượng cũng như chất lượng của thị trường vũ khí.

Những kẻ buôn lậu ngày càng phụ thuộc vào các nhóm vũ trang, và ngược lại các nhóm vũ trang đã trực tiếp tham gia vào hoạt động buôn lậu. 
Vì vậy, một chính phủ có quân đội mạnh mẽ kiểm soát an ninh trong khu vực sẽ là một mối đe dọa đáng kể cho các thành phần kể trên.
Cho tới năm 2018, bất kỳ một nỗ lực quân sự của cả hai chính phủ ở Libya đều không có kết quả khả quan do lượng vũ khí đạn dược dồi dào và binh lực lớn của các nhóm vũ trang bộ lạc nhằm giữ thế chia cắt ở Libya.

Buôn lậu nhiên liệu ở Libya đã trở thành một nguồn lợi nhuận khổng lồ cho những kẻ buôn lậu . Chúng sử dụng các giấy tờ gian lận để mua xăng tinh chế từ chính phủ với tỷ trợ cấp cao và buôn lậu nó ra nước ngoài hoặc bán nó trên thị trường chợ đen (cao hơn nhiều so với giá mua vào).

Mặc dù có đầy đủ thông tin cảnh báo về mức độ gia tăng buôn lậu nhiên liệu, các chính phủ ở Libya vẫn chưa thể ngăn chặn nó.
Tương đồng với việc đó, sự chú ý của cộng đồng
quốc tế về nạn buôn người ở Libya.
Trong năm 2010 mới chỉ có khoảng 15.000 người di cư và tị nạn châu Phi sử dụng Libya là điểm xuất phát để đến châu Âu, nhưng đến năm 2016, con số đó đã tăng lên trên 162.000, khiến buôn lậu người trở thành một nguồn thu nhập sinh lợi đáng kể.

Các nhóm vũ trang bộ lạc, ngoài việc thu thuế và tham gia vào quá trình phân phối, vận chuyển dầu và chế phẩm từ dầu, vận chuyển người tị nạn châu Phi tới các đô thị ven Địa Trung Hải. Tại đây các nhà buôn sẽ trả tiền cho đầu người để sử dụng họ như nô lệ hoặc tiếp tục bán sang Châu Âu.

3. Tiếp cận và chiếm đoạt các nguồn thu của chính phủ.

Thu nhập của quốc gia Bắc Phi Libya ngay từ trước nội chiến đã gần như phụ thuộc vào thu nhập từ dầu mỏ và khí đốt. 

Mặc dù hiện tại về chính trị có tới 2 chính phủ và việc quản lý khu vực gần như không hoàn toàn do bị phân tán bởi các nhóm vũ trang bộ lạc - tôn giáo và chênh lệch giữa các khu vực về mật độ dân cư tại Libya, những khoản thu này vẫn còn tiếp tục trên toàn quốc. 

Vì vậy, cơ hội lớn nhất cho việc chiếm đoạt tiền của là ở các trung tâm chính trị. 

Sự yếu kém của chính phủ do Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn ở Tripoli đã cho phép một môi trường màu mỡ cho việc chiếm đoạt các nguồn thu của chính phủ bởi các quan chức tham nhũng và các nhóm vũ trang. 

Một trong những phương pháp chính được sử dụng là các tín dụng gian lận cho việc nhập khẩu hàng hóa vào Libya, có được thông qua đe dọa, tống tiền và hợp tác với các quan chức tham nhũng. 

Điều này xảy ra thường xuyên, thực tế là không có một giao dịch nhập khẩu hàng hoá nào diễn ra và tiền từ tín dụng chi trả chỉ đơn giản là bị đánh cắp.

Ngoài ra, sự thiếu kiểm soát của chính phủ đối với nền kinh tế và sự yếu kém của ngành ngân hàng do sự can thiệp bằng vũ lực của các nhóm vũ trang đã trao cho chúng cơ hội thiết lập và kiểm soát một thị trường chợ đen phát đạt, là cơ sở của hầu hết các hoạt động kinh tế - sinh hoạt hàng ngày.

Tình hình ở Syria tương đối khác. Trong khi những người ủng hộ Assad trong chính phủ Syria có quyền kiểm soát hoàn toàn hệ thống tài chính, họ lại phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân lực, binh sĩ để tham chiến.
Nhà phân tích về Syria, Samer Abboud miêu tả, nỗ lực của chính phủ Syria để đánh lạc hướng các biện pháp trừng phạt của quốc tế đã giúp họ trao quyền cho một nhóm doanh nhân mới, những người mà họ kiểm soát chặt chẽ và trung thành đáng kể. 

Những người này có động cơ mạnh mẽ chống lại sự trở lại của các doanh nhân rời bỏ Syria ngay từ đầu cuộc xung đột vì họ sẽ đe dọa vị trí của họ, và thực sự đã có những trường hợp các nhân vật này tìm cách ngăn chặn sự trở lại của giới tinh hoa kinh tế Syria trước chiến tranh. 

Việc thiếu nhân lực tham chiến trên chiến trường cũng buộc chính phủ Syria phải đóng vai trò người ký hợp đồng và san sẻ trách nhiệm chiến đấu trước đây được phó thác cho các lực lượng vũ trang chính quy. 

Theo nhà phân tích Tobias Schneider:

Lực lượng đặc nhiệm Tiger, Lực lượng Chim ưng sa mạc (ISIS Hunter) và ngay cả các nhóm Lính đánh thuê Wagner, Turan người Nga và Trung Á đều được tài trợ bởi các nhân vật còn giàu có hơn cả chính phủ. 

Lực lượng Tiger được tài trợ bởi Rami Makhlouf (anh em họ của Bashar al-Assad) và trong lực lượng này có một số lượng đáng kể các kẻ buôn lậu và tội phạm - chiến binh đối lập quy hàng được tuyển dụng tại Hama.
Rami Makhlouf được cho là có mối quan hệ rất tốt với các tài phiệt Nga, điều đó minh chứng ở
hiện tại là tham gia chỉ huy tác chiến trong các mũi tấn công của lực lượng Hổ và bảo vệ chỉ huy Suheil al-Hassan là các lính đánh thuê và chuyên gia quân sự thuộc Công ty Wagner người Nga và Ukraine, cùng với một lượng lớn trang bị từ Bộ Quốc phòng Nga được bán - tặng cho Lực lượng Tiger như xe tăng T-90A, hệ thống TOS-1A.

Chim ưng sa mạc được thành lập bởi Mohammed và Ayman Jaber, người đã phát tài do buôn lậu dầu từ Iraq qua Syria như một phần của chương trình “Đổi dầu lấy lương thực” được bảo trợ của Liên Hiệp Quốc trong những năm 1990 cho chế độ của Saddam Hussein.
Cho tới cuối năm 2016 đầu 2017, sau một số thất bại tại khu vực kiểm soát giếng dầu gần Palmyra, Chim ưng sa mạc được cho là rã ngũ vì tác chiến kém hiệu quả trước IS. Gần như đồng thời, Mohammed Jaber bay tới Moscow và một thoả thuận ngầm với Công ty Turan để tham gia đào tạo một lực lượng thay thế đó là ISIS Hunter.

Mặc dù cam kết trung thành với chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad, cả hai lực lượng Tiger và ISIS Hunter vẫn tiếp tục hoạt động buôn lậu của mình và có quyền tự chủ đáng kể.
Việc quân tư trang của hai nhóm này đa phần được trang bị từ những nhà buôn vũ khí trên thế giới chứng minh khả năng thương mại của các “ông chủ” đứng sau chi phối hai Lực lượng này.

4. Sự bảo trợ của các thế lực bên ngoài.

Cuối cùng, sự bảo trợ của các thế lực ngoại quốc tiếp tục đóng một vai trò trực tiếp và quan trọng trong việc kéo dài cuộc xung đột ở Libya và Syria.

Diễn biến xung đột tại Syria đã được định đoạt bởi mức hỗ trợ khổng lồ được cung cấp bởi những thế lực ủng hộ Assad khi so sánh với sự hỗ trợ được cung cấp cho các đối thủ trên chiến trường. 

Việc giảm dần, và cuối cùng cắt hẳn hỗ trợ quân sự cho các nhóm đối lập vũ trang Quân đội Syria tự do (FSA) của Hoa Kỳ và các nước Arab Vùng Vịnh vào năm 2017 đã làm mất đi triển vọng đem lại lợi thế quân sự của họ trên chiến trường.

Trong khi đó chính phủ của Assad phụ thuộc gần như hoàn toàn vào can thiệp quân sự, và hỗ trợ kinh tế của Iran, Nga và Trung Quốc.

Một điểm tương đồng là can thiệp của nước ngoài, cả về tài chính, vũ khí và can thiệp trực tiếp bằng không quân (của các nước thành viên NATO) vào Libya đã quyết định thắng lợi của lực lượng đối lập với Quân đội của Ghaddafi năm 2011. 
Và sự can thiệp của nước ngoài vào Libya vẫn đang tiếp tục. Năm 2017, Các chuyên gia Liên Hiệp Quốc đã miêu tả chi tiết mức độ hỗ trợ khổng lồ của UAE đối với việc phát triển Lực lượng không quân và Lục quân của Tướng Khalifa Haftar. Hỗ trợ của ngoại quốc đã cho phép Haftar tăng cường vị thế quân sự của chính phủ ở Đông Libya và từ chối tham gia vào các nỗ lực đàm phán hoà bình với chính phủ Hồi giáo ở Tây Libya.

Ở cả Libya và Syria sau cùng thì hiệu quả tác chiến của các nhóm vũ trang trên chiến trường là nhân tố quyết định tồn vong của họ do phụ thuộc vào sự hỗ trợ của ngoại quốc. Do vậy, nếu thất trận liên tục, gần như các nhóm vũ trang sẽ phải giảm thiểu hoạt động và xấu nhất là rã ngũ do các nguồn tài trợ sẽ bị ngưng hoặc đóng băng.
Đối với các chiến binh đối lập tại Syria, việc lựa chọn phe phái nào tham gia chiến đấu phụ thuộc vào tài chính và đãi ngộ họ được nhận.
Việc hàng nghìn chiến binh đối lập hạ súng, bàn giao trang bị ngay lập tức và gần như không có thiệt hại cho lực lượng tấn công (diễn ra ở tỉnh Hama-Homs, tỉnh Deir Ezzor, tỉnh Idlib, tỉnh Aleppo, Đông Ghouta và nay là Đông Qalamoun), gia nhập vào các Lực lượng Tiger hay ISIS Hunter mỗi khi những nhóm này tiến quân được cho là một cái giá được các nhà buôn chiến tranh đưa ra mà không thể bỏ qua cho các nhóm chiến binh trong tình thế viện trợ ngoại quốc chỉ thưa thớt.
Hay việc chiến dịch Cành Oliu tại khu vực Afrin nhằm vào người Kurd đã thu hút hàng chục nghìn chiến binh đối lập với cái giá 6 tháng lương trả trước của các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ.

Kết luận: Kinh tế chiến tranh hình thành và phát triển ở Libya và Syria có ý nghĩa quan trọng trong  tương lai. 

Ở hiện tại, các phe phái kiếm lợi từ kinh tế chiến tranh vẫn đang đứng ngoài những nỗ lực hòa bình với sự trung gian của cộng đồng quốc tế. Và xung đột vẫn đang tiếp tục diễn ra ở hai quốc gia này.

Nhưng có thể sẽ tới một thời điểm, khi sự phát triển của các phe phái này đòi hỏi phải có một sự tổ chức hơn, một sự ổn định hơn và tích luỹ đã đủ, họ sẽ phải giải quyết xung đột trong một thế chính trị ổn định.
Chuyên gia Steven Heydemann “Dù ​​hai cuộc nội chiến tại Syria và Libya kết thúc trong một thỏa thuận hay chiến thắng quân sự, các nhà kinh tế chiến tranh địa phương có ít động cơ từ bỏ các hoạt động kinh tế thời chiến.” 
Một kết luận như vậy là đáng chú ý khi mức độ tranh luận của cộng đồng quốc tế là phương pháp hỗ trợ những nỗ lực tái thiết ở Syria.
Nhà phân tích Kheder Kheddour kết luận rằng chính phủ Assad xem quá trình tái thiết như một phương tiện để xây dựng lại hệ thống xã hội - kinh tế - chính trị trước năm 2011 thông qua việc cấp vốn thông qua các trung gian mới và trao quyền cho các nhà kinh doanh mới. 
Do đó, nó không phải là một công cụ hòa giải dân tộc và nền tảng của một trật tự chính trị mới, như được dự đoán bởi nhiều bài diễn văn quốc tế về tái thiết sau chiến tranh tại Syria. 
Tuy nhiên, trong khi chính phủ Assad có ít đầu mối  chỉ huy và quyền kiểm soát đối với các đơn vị vũ trang hợp đồng tốt hơn là Chính phủ Quốc gia do Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn tại Tripoli, thì cũng thiếu khả năng cưỡng chế để thực thi ý chí của họ.
Những nhà buôn chiến tranh này có lợi ích riêng của họ, và điều đó sẽ phải được tính đến trong bất kỳ nỗ lực nào để xây dựng lại một thể chế chính phủ và thiết lập một trật tự sau giai đoạn dài chiến tranh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét